Lào Cai Online – Tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét đặc trưng trong đời sống tâm linh của người Việt, gắn liền với văn hóa dân gian qua hàng nghìn năm lịch sử. Được hình thành và phát triển trong quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng này mang đậm dấu ấn bản địa, phản ánh quan niệm về sự che chở, bảo hộ của thần linh đối với con người. Năm 2016, UNESCO chính thức công nhận “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định giá trị tinh thần và văn hóa sâu sắc của tín ngưỡng này.

Trong nhiều thần tích ghi chép về thờ Mẫu, truyền thuyết về Thượng Ngàn Công Chúa, húy danh La Bình, con gái Tản Viên Sơn Thánh và cháu ngoại Hùng Duệ Vương, được nhiều người biết đến. Ngài được mô tả là một cô gái tài sắc vẹn toàn, thường theo cha ngao du khắp núi rừng, kết giao cùng muông thú, cây cỏ và được Sơn thần các nơi quý trọng. Nhờ công lao bảo hộ sơn lâm và che chở cho dân lành nơi miền sơn cước, Ngài được Thượng Đế phong danh hiệu “Thượng Ngàn Công Chúa” và cai quản cửa rừng cõi Nam Giao. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Ngài được tôn xưng là Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, biểu tượng của lòng bao dung, che chở, mang đến sự thịnh vượng và bảo vệ con người trước thiên tai.
Dọc theo dòng sông Hồng từ Phú Thọ đến Lào Cai, nhiều ngôi đền thờ Mẫu đã được xây dựng, trở thành những điểm đến linh thiêng thu hút du khách thập phương. Trong số đó, Đền Mẫu Trịnh Tường, nằm tại thôn Phố Mới I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, là một địa điểm đặc biệt. Ngôi đền không chỉ là nơi thờ phụng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn mà còn mang ý nghĩa lịch sử quan trọng, góp phần tạo nên hành trình tâm linh “Về cội nguồn” dọc theo dòng sông Hồng.

Tọa lạc ở vị trí chiến lược, Đền Mẫu Trịnh Tường án ngữ thượng nguồn sông Hồng, gần cột mốc biên giới số 94(2) và dòng Thác Tây. Đây là địa danh gắn liền với một trong những chiến công hiển hách của quân và dân huyện Bát Xát trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo sử sách, vào ngày 19/8/1886, quân Pháp vượt Thác Tây nhưng bị phục kích bởi nghĩa quân địa phương. Trong trận chiến này, hai viên trung úy chỉ huy cùng 11 lính Pháp bị tiêu diệt, khiến đội quân xâm lược phải rút lui. Đây được xem là một trong những thất bại nặng nề nhất của thực dân Pháp trên bờ hữu ngạn sông Hồng. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng, ngày 12/12/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã chính thức công nhận Đền Mẫu Trịnh Tường là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Quảng Cáo
Ngày nay, Đền Mẫu Trịnh Tường không chỉ là nơi hành hương, chiêm bái của người dân địa phương mà còn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi. Với không gian thanh tịnh, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và giá trị tâm linh sâu sắc, ngôi đền mang lại cảm giác an nhiên, giúp con người tìm về nguồn cội, gìn giữ nét đẹp truyền thống. Hành trình từ Phú Thọ, Yên Bái đến Lào Cai không chỉ là một chuyến đi mang tính tín ngưỡng mà còn là dịp để mỗi người hiểu thêm về lịch sử dân tộc, trân trọng những giá trị văn hóa đã được bảo tồn qua bao thế hệ.
Là biểu tượng tâm linh nơi miền biên ải, Đền Mẫu Trịnh Tường không chỉ là điểm đến linh thiêng mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Trong tương lai, di tích này sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan