Lào Cai Online – Sau hơn ba thập kỷ tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, Lào Cai đã vươn lên trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Với nền tảng lịch sử lâu đời, lợi thế địa chính trị và chiến lược phát triển bài bản, Lào Cai không ngừng đổi mới, trở thành trung tâm kinh tế, du lịch và giao thương quan trọng của Việt Nam với khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Lào Cai, vùng đất có bề dày lịch sử và bản sắc văn hóa đa dạng, từ lâu đã đóng vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế và hành chính quan trọng. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, ngay từ thời cổ đại, nơi đây đã là trung tâm của bộ tộc An Dương Vương trước khi ông đưa quân về Cổ Loa. Trong suốt nhiều thế kỷ, Lào Cai luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự, thương mại và giao lưu văn hóa, từ thời Trần Hưng Đạo, Lê Lợi cho đến thời kỳ Pháp thuộc.

Kể từ khi tái lập vào năm 1991, khi còn là một trong sáu tỉnh nghèo nhất cả nước, Lào Cai đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ một địa phương thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, kinh tế phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, tỉnh đã vươn lên thành một trong ba cực tăng trưởng của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ, cùng với Bắc Giang và Thái Nguyên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 10%/năm trong giai đoạn 1991-2024, thu ngân sách năm 2024 đạt gần 13.000 tỷ đồng, cao gấp 361 lần so với năm 1991.
Quảng Cáo

Không chỉ phát triển mạnh về kinh tế, các lĩnh vực xã hội, giáo dục, y tế của Lào Cai cũng có những bước tiến đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,8% năm 1991 xuống còn 10,94% vào năm 2024. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng ngày càng được hoàn thiện, với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội – Lào Cai – Côn Minh và dự án Cảng Hàng không Sa Pa dự kiến hoạt động vào năm 2028. Những yếu tố này đã giúp Lào Cai trở thành điểm kết nối quan trọng giữa Việt Nam với các nước ASEAN và khu vực Tây Nam Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Lào Cai cũng là trung tâm du lịch lớn của cả nước. Khu du lịch quốc gia Sa Pa, đạt tiêu chuẩn “Thành phố Du lịch sạch ASEAN”, với cáp treo Phan Xi Păng đạt kỷ lục thế giới, cùng với tiềm năng du lịch Y Tý đang được quy hoạch bài bản, đã đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Lượng khách du lịch đến Lào Cai năm 2024 đạt hơn 8 triệu lượt, với mục tiêu chạm mốc 15 triệu lượt vào năm 2030, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh.
Về công nghiệp, với trữ lượng khoáng sản lớn, Lào Cai đã trở thành trung tâm luyện kim và hóa chất của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Các ngành công nghiệp chế biến sâu như luyện đồng, sản xuất phân bón chứa lân, gang thép và đất hiếm đang phát triển mạnh, góp phần đưa Lào Cai thành một cực tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Với những lợi thế về địa chính trị, kinh tế, du lịch và hạ tầng giao thông, Lào Cai đang tiếp tục vươn lên trở thành trung tâm kết nối quan trọng trong khu vực, khẳng định vị thế là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của miền Bắc Việt Nam.
Du Kỷ
Quảng Cáo Liên Quan