Chương trình MTQG 1719: Bước đột phá nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Sau gần bốn năm triển khai, Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) 1719 đã mang lại những thay đổi tích cực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Hà Giang. Từ hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ đến cải thiện sinh kế, chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng sống, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.

Gieo mầm xanh trên cao nguyên đá (Ảnh minh họa).
Gieo mầm xanh trên cao nguyên đá (Ảnh minh họa).

Hạ tầng đồng bộ – Đòn bẩy phát triển vùng cao

Tại huyện Quản Bạ, nhờ nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719, nhiều công trình trọng điểm đã được xây dựng và nâng cấp, gồm 31 tuyến đường giao thông, 29 công trình giáo dục, 13 dự án điện sinh hoạt, 9 nhà văn hóa thôn, 4 chợ dân sinh, 4 công trình thủy lợi167 căn nhà cho hộ nghèo. Bên cạnh đó, các dự án trang thiết bị giáo dục, y tế, văn hóa, truyền thông cũng được triển khai với tổng kinh phí hơn 165 tỷ đồng, mang đến diện mạo mới cho vùng cao.

Tại huyện Mèo Vạc, nguồn hỗ trợ từ chương trình đã giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết như đất ở, nhà ở, nước sạch, đất sản xuất, đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế và nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào DTTS.

Câu chuyện của ông Vàng Nỏ Lúa (thôn Nia Do, xã Giàng Chu Phìn) là minh chứng rõ nét. Được hỗ trợ 44 triệu đồng để xây nhà mới, ông vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội và nhờ sự giúp đỡ của bà con để hoàn thiện căn nhà khang trang, ổn định cuộc sống.

Quảng Cáo

Bên cạnh đó, xã Giàng Chu Phìn cũng tập trung vào phát triển hạ tầng như bê tông hóa đường giao thông tại thôn Tràng Hương với kinh phí 400 triệu đồng, hỗ trợ 81 hộ dân nước sinh hoạt phân tán, đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất và xây dựng 2 nhà văn hóa cộng đồng thôn. Nhờ triển khai quyết liệt, tỷ lệ hộ nghèo tại xã giảm 3-4%/năm, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.

Chính sách dân tộc gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hà Giang đã mang lại những kết quả tích cực cho người dân (Ảnh minh họa).
Chính sách dân tộc gắn liền với phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hà Giang đã mang lại những kết quả tích cực cho người dân (Ảnh minh họa).

Đổi thay từ nhận thức – Đồng bào chủ động phát triển kinh tế

Ngoài việc đầu tư hạ tầng, một yếu tố quan trọng giúp chương trình đạt hiệu quả cao chính là nâng cao nhận thức cộng đồng. Chính quyền tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích bà con tích cực tham gia các dự án sinh kế, phát huy nội lực, giảm tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ.

Theo ông Viên Quang Chương, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quản Bạ, sự thay đổi nhận thức đã giúp người dân chủ động hơn trong phát triển kinh tế – xã hội. Bà con không chỉ hưởng lợi từ chính sách mà còn tích cực đóng góp, xây dựng cộng đồng ngày càng phát triển.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang khẳng định, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục huy động nguồn lực từ các chương trình hỗ trợ để đầu tư vào nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, đồng thời khuyến khích bà con đổi mới phương thức sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.

Nhiều hộ dân xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn được ở trong căn nhà kiên cố nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước (Ảnh: Báo Dân Tộc).
Nhiều hộ dân xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn được ở trong căn nhà kiên cố nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước (Ảnh: Báo Dân Tộc).

Thành quả và kỳ vọng trong tương lai

Nhờ sự quyết liệt của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, Chương trình MTQG 1719 đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS trên 4% mỗi năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43 triệu đồng/năm vào năm 2025, tăng 44,2% so với năm 2020.

Với những kết quả đạt được, Chương trình MTQG 1719 không chỉ cải thiện đời sống đồng bào DTTS mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Hà Giang trong tương lai.

Thanh Chúc 

Quảng Cáo Liên Quan