Lào Cai Online – Ngày 26/3, UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) phối hợp với Công an xã tổ chức hội nghị nhằm nhận diện chiêu trò lừa đảo, dụ dỗ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sang Campuchia làm việc với mức lương hấp dẫn nhưng thực chất là những cạm bẫy nguy hiểm. Buổi hội nghị có sự tham gia của già làng, người có uy tín và đông đảo người dân từ 12 làng thuộc xã Đăk Na.
Những nạn nhân lên tiếng cảnh báo
Tại hội nghị, hai nạn nhân từng mắc bẫy là anh A Kun và A Nhanh đã chia sẻ câu chuyện đầy ám ảnh về quãng thời gian bị lừa sang Campuchia. Với mong muốn giúp đồng bào cảnh giác, họ kể lại cách bị dụ dỗ, sự thật khắc nghiệt nơi đất khách và hành trình may mắn được giải cứu trở về.

Gần đây, nhiều đối tượng xấu lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, để dụ dỗ họ sang Campuchia làm việc với mức lương 1.000 USD/tháng. Tuy nhiên, khi đặt chân đến nơi, họ mới nhận ra mình đã rơi vào một cái bẫy kinh hoàng: bị đánh đập, tra tấn và cưỡng ép lao động. Riêng tại xã Đăk Na, đã có ba thanh niên là nạn nhân của thủ đoạn này. Nhờ sự vào cuộc của lực lượng chức năng, họ đã được giải cứu và đưa về đoàn tụ với gia đình.
Chủ tịch UBND xã Đăk Na, ông Nguyễn Thanh Thủy, cho biết hội nghị này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về các chiêu trò lừa đảo, giúp họ tránh rơi vào bẫy của kẻ xấu. Đặc biệt, buổi hội nghị còn được phát livestream để người dân trên toàn huyện Tu Mơ Rông có thể theo dõi.
Quảng Cáo
Trước sự chứng kiến của đông đảo người dân, anh A Kun và A Nhanh thuật lại quá trình bị lừa với những lời hứa hẹn về công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao. Họ cho biết chính sự hấp dẫn của mức lương “trong mơ” đã khiến họ rơi vào cạm bẫy, để rồi phải chịu những chuỗi ngày tăm tối trong cảnh lao động khổ sai, bị đánh đập, bỏ đói như “địa ngục trần gian”.
Những bài học từ thực tế
Anh A Kun bày tỏ nỗi ân hận: “Những tháng ngày bị giam cầm nơi đất khách, tôi mới thấm thía nỗi nhớ quê hương và nhận ra không nơi nào tốt đẹp bằng quê nhà. Khi được giải cứu trở về, tôi vô cùng biết ơn chính quyền và bà con đã giúp đỡ tôi tái hòa nhập cuộc sống. Tôi sẽ nỗ lực lao động, trở thành người có ích cho xã hội”.

Anh A Nhanh cũng chia sẻ rằng, việc anh kể lại câu chuyện của mình không chỉ để giải tỏa nỗi đau mà còn giúp đồng bào rút kinh nghiệm, không mắc vào “vết xe đổ” mà anh đã trải qua. Anh hy vọng mọi người tập trung vào lao động chân chính, phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống ổn định.
Hướng đi mới: Xuất khẩu lao động an toàn
Tại hội nghị, UBND xã Đăk Na cũng mời những hộ dân đã có kinh nghiệm xuất khẩu lao động hợp pháp để chia sẻ thông tin hữu ích. Đây là giải pháp giúp bà con DTTS tìm kiếm công việc ổn định, an toàn và hợp pháp.
Ông Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh rằng, ngoài việc nâng cao nhận thức, chính quyền địa phương cũng đang tìm giải pháp tạo công ăn việc làm cho người dân. Một trong những mô hình hiệu quả là kết nối lao động với các doanh nghiệp và hợp tác xã uy tín. Điển hình như trường hợp anh A Kiên, một nạn nhân từng bị lừa sang Campuchia, sau khi trở về đã được giới thiệu làm công nhân cao su tại Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15), với mức lương từ 8,5 – 10 triệu đồng/tháng. Hiện xã cũng đang tìm kiếm công việc phù hợp cho anh A Kun và A Nhanh.

Đáng chú ý, UBND xã Đăk Na đã ký kết biên bản hợp tác với Chi nhánh 716 để ưu tiên tuyển dụng lao động là đồng bào DTTS trên địa bàn. Điều này không chỉ giúp người dân có công việc ổn định mà còn giảm nguy cơ bị lừa đảo lao động ở nước ngoài.
Qua câu chuyện của những nạn nhân từng mắc bẫy lừa đảo, hội nghị đã giúp người dân hiểu rõ hơn về những chiêu trò tinh vi của kẻ xấu. Việc tìm kiếm cơ hội việc làm cần được cân nhắc kỹ lưỡng, tránh xa những lời mời gọi không rõ ràng và lựa chọn con đường lao động hợp pháp để bảo vệ chính mình.
Sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cộng đồng không chỉ giúp ngăn chặn các vụ lừa đảo mà còn mở ra cơ hội mới để người dân có thể phát triển kinh tế một cách bền vững ngay tại quê nhà.
Thanh Chúc
Quảng Cáo Liên Quan