Lào Cai Online – Giữa vùng núi non kỳ vĩ của địa đầu Tổ quốc, người Tày tại Bình Liêu vẫn lưu giữ nhiều phong tục cổ truyền, trong đó có nghi lễ “rửa mặt” – một nét văn hóa đặc sắc gắn liền với ngày cưới. Không đơn thuần là thủ tục chào mừng nàng dâu mới, tục rửa mặt còn mang ý nghĩa thắt chặt tình thân và thể hiện sự đồng lòng, chia sẻ của cả dòng tộc.

Người Tày là cộng đồng dân tộc thiểu số đông thứ ba tại Quảng Ninh, với gần 14.000 người sinh sống tập trung ở huyện miền núi Bình Liêu. Trong đời sống tinh thần của họ, lễ cưới không chỉ là việc riêng của hai bên gia đình, mà còn là sự kiện trọng đại được cả bản làng quan tâm, chúc mừng.
Một đám cưới truyền thống của người Tày trải qua nhiều nghi thức như lễ dạm ngõ, xin trầu, định ngày cưới và lễ đón dâu. Trong đó, nghi lễ rửa mặt – “Dào nả” – được tổ chức tại nhà trai, là điểm nhấn đầy nhân văn trong ngày trọng đại.

Ngay sau tiệc cưới, cô dâu mới sẽ ngồi cùng bố mẹ chồng ở gian chính, chuẩn bị một chiếc chậu đặt khoảng 300-400 khăn mặt sạch cùng một vòng bạc. Theo sự giới thiệu của mẹ chồng, họ hàng nội tộc sẽ lần lượt tiến đến, thực hiện nghi thức rửa mặt. Mỗi người chỉ dùng khăn để đưa qua mặt nước vài lần, không thực sự rửa, sau đó nhẹ nhàng lau mặt và bỏ phong bao mừng cưới vào chậu.
Quảng Cáo
Điểm đặc biệt của nghi thức này là chỉ những người lớn tuổi, thuộc hàng trên của chú rể mới được trao khăn – thường là ông bà, bác cô chú, anh chị đã lập gia đình. Người còn đủ vợ chồng sẽ nhận một cặp khăn, người đã mất bạn đời hoặc sống đơn thân chỉ nhận một chiếc. Những người nhỏ tuổi hơn như em, cháu không tham dự nghi lễ này.
Bà Lương Thị Vằn (62 tuổi, thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn) chia sẻ: “Ngày xưa nghèo khó, người thân thường tặng đồ dùng thiết yếu như nồi, chăn, thậm chí là thúng gạo. Giờ kinh tế khá hơn, mọi người bỏ tiền vào chậu để hỗ trợ cô dâu chú rể làm vốn khởi đầu”.

Không đặt nặng giá trị vật chất, tục lệ này đề cao nghĩa tình. Dù là vài chục nghìn đồng hay cả chỉ vàng, tất cả đều là những lời chúc chân thành gửi tới đôi trẻ, là sự động viên nhẹ nhàng để bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Theo ông Bế Sinh Nghiệp – người có uy tín ở thôn Ngàn Vàng Dưới, xã Đồng Tâm – tục rửa mặt đã có từ nhiều đời, là một phần không thể thiếu trong đám cưới người Tày. “Đây là dịp để cô dâu hòa nhập với gia đình mới, và là khoảnh khắc cả họ cùng chúc phúc, cùng sẻ chia”, ông nói.
Tục rửa mặt mang đậm tinh thần cộng đồng, sự kết nối giữa các thế hệ. Đồng thời, nó cũng khẳng định vai trò và vị trí của người phụ nữ trong mái nhà mới – vừa là thành viên, vừa là người gìn giữ truyền thống.
Không giống các nghi lễ cưới ở những tỉnh như Bắc Kạn, Tuyên Quang hay Cao Bằng, nghi thức rửa mặt trong đám cưới người Tày ở Bình Liêu là nét văn hóa chỉ riêng vùng đất này sở hữu. Dù xã hội ngày nay đã có nhiều đổi thay, nhưng nghi thức ấy vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, thể hiện sự trân trọng với cội nguồn văn hóa dân tộc.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan