Lào Cai Online – Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, với dân số trên 812 nghìn người, đồng bào DTTS chiếm 83,91% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu các dân tộc: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông sinh sống. Thời gian qua, Lạng Sơn luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần nâng cao đời sống người dân và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân ở vùng DTTS.

Theo Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, toàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chiếm 11,36%. Trong đó, tổng số hộ nghèo là 6.912 hộ/205.621 hộ, chiếm 3,36%; tổng số hộ cận nghèo là 16.451 hộ/205.621 hộ, chiếm 8,00%.
Nhằm nâng cao đời sống đồng bào DTTS, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân tộc, các chương trình, chính sách dân tộc, các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đồng bộ, toàn diện, với nhiều giải pháp điều hành linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, xác định triển khai Chương trình MTQG giảm ghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719); Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, triển khai Chương trình MTQG 1719 cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tích cực triển khai Chương trình, trong đó cũng đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực triển khai Chương trình.
Qua đó tình hình kinh tế – xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh ổn định, từng bước phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, sản xuất, xây dựng quê hương.
Quảng Cáo
Kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2019 – 2023 là 6,27%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 43,4 triệu đồng, ước hết năm 2024 đạt 61,9 triệu đồng.

Hạ tầng kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nổi bật như tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang – Chi Lăng); đã khởi công và đang đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị – Chi Lăng, tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), cải tạo, nâng cấp quốc lộ 4B đoạn Km3+700-Km18 và đoạn Km18-Km80…
Phong trào làm đường giao thông, cầu giao thông nông thôn tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, được Nhân dân hưởng ứng, đem lại nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông từ 77,6% năm 2019 tăng lên 98,3% năm 2024; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa từ 41,8% năm 2019 tăng lên trên 87% năm 2024; đến nay có 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ số hộ được sử dụng điện đạt trên 99%, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng; phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời, huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án để lồng ghép thực hiện các biện pháp hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa; ổn định dân cư; hỗ trợ trồng rừng sản xuất; hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; hỗ trợ nhà ở, sửa chữa nhà cho hộ nghèo…
Đơn cử, tại huyện Tràng Định, nhận thấy giá trị từ cây quế đem lại, thời gian qua, huyện Tràng Định tích cực vận động Nhân dân trồng cây quế để phát triển kinh tế. Với giá trị kinh tế cao, cây quế đã và đang là cây trồng chủ lực giúp đời sống của bà con địa phương từng ngày khởi sắc.
Đặc biệt từ năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tràng Định ban hành Nghị quyết số 37-NQ/HU ngày 18/6/2021 về xây dựng chuỗi liên kết nâng cao giá trị cây quế, hồi giai đoạn 2021 – 2030 (Nghị quyết số 37). Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết, đã mang lại những chuyển biến tích cực, phát triển, nâng cao giá trị cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện.
Đến nay, trên địa bàn huyện Tràng Định đã hình thành một số vùng trồng rừng tập trung như: vùng quế xã Đề Thám, Kim Đồng, Tân Tiến, Đoàn Kết… với tổng diện tích quế đạt gần 7.000ha, sản lượng ước đạt trên 800 tấn vỏ quế khô. Duy trì 01 mô hình và 02 chuỗi liên kết sản phẩm quế, với tổng quy mô 179,44ha, đạt 300% kế hoạch, qua đó tạo liên kết cung ứng vật tư, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân tham gia chuỗi. Ngoài ra, toàn huyện có khoảng 20 cơ sở ươm cây giống quế cung cấp khoảng hơn 20 triệu cây giống cho Nhân dân trên địa bàn huyện và các tỉnh lân cận.

Xác định an cư mới lạc nghiệp, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã lồng ghép các chương trình, dự án; huy động các nguồn vốn từ các Chương trình MTQG, các chương trình, dự án và kêu gọi xã hội hóa để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 4.405 hộ khó khăn về nhà ở, cần xây mới, sửa chữa. Dự kiến kinh phí thực hiện trên 224 tỷ đồng; trong đó, xây mới 3.079 nhà, sửa chữa 1.326 nhà. Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trước ngày 30/9/2025.
Trong căn nhà mới, ông Chu Văn Gióng, thôn Nà U, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình chia sẻ: Gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhiều năm nay ngôi nhà trình tường xuống cấp gia đình không có điều kiện làm lại. Nhờ các cấp, ngành, lực lượng công an tỉnh hỗ trợ, hồi cuối tháng 11/2024, gia đình đã có ngôi nhà mới khang trang. Có nhà ở ổn định rồi chúng tôi sẽ cố gắng lao động sản xuất vươn lên trong cuộc sống.
Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Lạng Sơn.
Quảng Cáo Liên Quan