Mô hình HTX trở thành “bà đỡ” giúp đồng bào DTTS ở Quảng Trị thoát nghèo

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Trong những năm gần đây, mô hình Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác sản xuất thực sự đã trở thành “bà đỡ” giúp nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở Quảng Trị thoát nghèo. Nhận thấy đây là mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với vùng DTTS, chính quyền địa phương ở Quảng Trị có nhiều chính sách để thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể này phát triển.

Xưởng chiết xuất tinh dầu của HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa
Xưởng chiết xuất tinh dầu của HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa

Thoát nghèo nhờ mô hình đúng

Ba Lòng là xã An toàn khu (ATK) thuộc huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Đây là địa phương có gần 100% đồng bào Bru Vân Kiều, Tà Ôi sinh sống. Do địa hình đặc thù nằm trong lòng chảo được bao bọc bởi nhiều dãy núi cao nên hạn chế trong giao thương, buôn bán. Cũng vì thế mà đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Những lợi thế về đất đai, tiểu vùng khí hậu phù hợp để trồng cây dược liệu….gần như chưa được khai thác để phát triển kinh tế.

Năm 2017, HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa (trồng và chiết xuất tinh dầu các loại cây thảo dược) được thành lập, thực sự đã trở thành “bà đỡ” cho nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo. Tại thời điểm thành lập, HTX Vanpa có 24 xã viên, trong đó có 20 xã viên là người DTTS.

Sau khi thành lập, HTX Vanpa đã trồng thí điểm 10ha cây sả để chiết xuất tinh dầu. Trong đó, xã viên chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch sả. Ban Quản trị HTX điều hành các khâu san ủi mặt bằng, làm đất, cung cấp giống và phân bón vi sinh sản xuất cây sả hữu cơ thương phẩm theo quy trình tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam.

Quảng Cáo

Lá sả tươi được HTX thu mua với giá 1.000 đồng/kg; bình quân 1ha trồng sả mỗi năm thu hoạch cắt lá sả từ 4 – 5 lượt với sản lượng khoảng 40 – 50 tấn lá sả, cho thu nhập từ 40 – 50 triệu đồng/ha/năm.

Ông Đoàn Văn Linh- Giám đốc HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bàn con quy trình trồng cây dược liệu
Ông Đoàn Văn Linh- Giám đốc HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn bàn con quy trình trồng cây dược liệu

Sau gần 8 năm thành lập, hiện HTX Vanpa đã có 4 sản phẩm chủ lực có chỗ đứng trên thị trường gồm tinh dầu sả, gừng, nghệ, hương nhu. Cùng với việc mở rộng quy mô sản phẩm, HTX cũng đã liên kết tạo việc làm ổn định cho hơn 100 hộ đồng bào DTTS ở xã Ba Lòng và vùng phụ cận. Trung bình mỗi hộ đồng bào tham gia vào HTX, liên kết với HTX có thu nhập trung bình 45 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Hồ Văn Thương ở thôn Đá Nổi, xã Ba Lòng chia sẻ: “Từ ngày tham gia vào HTX Vanpa, ông và các xã viên được hướng dẫn trồng sả, trồng gừng, đúng tiêu chuẩn…; sản phẩm làm ra được HTX thu mua nên người dân đã có thu nhập khá, cuộc sống được cải thiện”.

Khi tham gia vào HTX, đồng bào DTTS ở xã Ba Lòng đã thoát ra khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình và chuyển sang hình thức hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất với quy mô lớn. Từ đó, năng suất lao động không ngừng được tăng lên, hiệu quả kinh tế được cải thiện thấy rõ.

Đồng bào DTTS ở xã Ba Lòng trồng cây hương nhu để cung cấp cho HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa
Đồng bào DTTS ở xã Ba Lòng trồng cây hương nhu để cung cấp cho HTX trồng và chiết xuất tinh dầu dược liệu Vanpa

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Đoàn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đakrông cho biết: Trong gần 8 năm qua, HTX Vanpa thực sự đã trở thành bà đỡ giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Ba Lòng và vùng phụ cận thoát nghèo bền vững. Đặc biệt là khi tham gia vào HTX, các xã viên trong HTX được tiếp cận với phương thức sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Từ đó, bà con đã hình thành tư duy sản xuất hàng hóa, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế hộ gia đình để vươn lên thoát nghèo.

Hỗ trợ để HTX phát triển bền vững

Không chỉ HTX Vanpa, hiện ở Đakrông có gần 20 mô hình HTX, Tổ hợp tác sản xuất. Những mô hình kinh tế tập thể này đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động người DTTS. Trong số đó, có nhiều mô hình HTX, Tổ hợp tác sản xuất hoạt động rất hiệu quả góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở địa phương. Tiêu biểu như: HTX Vanpa (Ba Lòng); HTX Hùng Anh (Thị trấn Đakrông); Tổ liên kết trồng chuối lùn Tà Rụt, HTX Dện Zèng A Bung …

Để HTX, Tổ liên kết sản xuất thực sử trở thành “bà đỡ” giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, UBND huyện Đakrông có nhiều chính sách phù hợp để HTX, Tổ hợp tác sản xuất phát triển xứng tầm.

HTX Hùng Anh liên kết với hộ DTTS ở Đakrông trồng cây dược liệu
HTX Hùng Anh liên kết với hộ DTTS ở Đakrông trồng cây dược liệu

Trong công tác chỉ đạo, UBND huyện Đakrông yêu cầu, các phòng, ban chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật HTX. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Liên minh HTX Việt Nam.

Đồng thời, bám sát định hướng phát triển kinh tế tập thể của tỉnh trong giai đoạn 2022 -2025. UBND huyện Đakrông cũng ban hành kế hoạch về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của HTX, Tổ hợp tác sản xuất trong giai đoạn mới.

UBND huyện Đakrông hỗ trợ Tổ hợp tác Dệt Zèng A Bung quảng bá sản phẩm
UBND huyện Đakrông hỗ trợ Tổ hợp tác Dệt Zèng A Bung quảng bá sản phẩm

Đặc biệt, UBND huyện đã trích ngân sách sự nghiệp để hỗ trợ 2 HTX và 1 Tổ hợp tác sản xuất để nâng cấp sản phẩm tham gia đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các phòng, ban chuyên môn ở Đakrông cũng kịp thời hướng dẫn các thủ tục để HTX, Tổ hợp tác sản xuất tiếp cận đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất. Hỗ trợ quảng bá, giới thiệu và phát triển sản phẩm trên các nền tảng số nhằm gia tăng giá trị hàng hóa.

Theo ông Lê Đại Lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông, thời gian tới, huyện tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể gắn liền với mô hình HTX, Tổ liên kết sản xuất. Triển khai kịp thời, có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025.

Tổ hợp tác sản xuất đã mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo vùng DTTS ở Quảng Trị
Tổ hợp tác sản xuất đã mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo vùng DTTS ở Quảng Trị

Vùng đồng bào DTTS nói riêng và vùng miền núi ở Quảng Trị nói chung có nhiều lợi thế về trồng cây dược liệu, chăn nuôi. Thế nhưng, do quy mô đất đai thường là nhỏ hẹp nên việc phát triển thành quy mô lớn là điều không khả thi. Trước thực tế đó, mô hình HTX, Tổ sản xuất là cách lựa chọn phù hợp để phát triển kinh tế tập thể.

Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, HTX và Tổ hợp tác sản xuất đã mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo vùng DTTS. Để mô hình HTX, Tổ hợp tác sản xuất phát triển bền vững, trở thành “bà đỡ” cho đồng bào thoát nghèo, chính quyền địa phương cần có chiến lược định hình phát triển HTX, Tổ liên kết sản xuất rõ ràng hơn nữa. Trong đó, ưu tiên ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay nhiều hơn nữa để tạo động lực cho HTX, Tổ hợp tác sản xuất phát triển bền vững.

Quảng Cáo Liên Quan