Hồ Thác Bà – Mạch sống kinh tế mới của người dân xã An Phú, Lục Yên

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Vượt qua điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân xã An Phú, huyện Lục Yên (Yên Bái) đang từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng vùng hồ Thác Bà, phát triển chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ sinh thái bền vững. Những mô hình kinh tế điển hình không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn mở ra hướng phát triển dài lâu cho địa phương.

Từ một hòn đảo vốn chỉ được tận dụng để trồng rừng và hoa màu, ông Hứa Văn Kiến ở thôn Cao Khánh đã nhìn thấy cơ hội phát triển chăn nuôi trâu. Nhận thấy vào mùa nước rút, đảo hiện ra với thảm cỏ xanh mướt trải rộng, ông cùng một số hộ dân mạnh dạn đưa trâu ra chăn thả.

Đảo rộng khoảng 40ha với địa hình đa dạng – từ bãi bằng, đồi thấp đến núi đá – đã trở thành “chuồng trại” tự nhiên lý tưởng. Từ một con trâu ban đầu, sau ba năm, đàn trâu của ông Kiến luôn duy trì ổn định trên 10 con, mỗi năm xuất bán khoảng 4 con, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

Ông Kiến chia sẻ: “Chăn thả trâu trên đảo không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn hạn chế dịch bệnh do cách ly hoàn toàn với khu dân cư. Trâu phát triển tốt nhờ nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, không mất nhiều công chăm sóc.”

Quảng Cáo

Mô hình nuôi trâu của ông Hứa Văn Kiến ở thôn Cao Khánh (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái )
Mô hình nuôi trâu của ông Hứa Văn Kiến ở thôn Cao Khánh (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái )

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Trà ở thôn Khau Vi lại phát triển kinh tế từ chính mặt nước hồ Thác Bà. Với 13 lồng cá được neo chắc chắn giữa hồ, ông nuôi các loại cá đặc sản như cá nheo, cá lăng, cá trắm, cá chép. Mỗi vụ nuôi kéo dài khoảng 6 tháng, ông thu hoạch 2 lứa cá mỗi năm với tổng sản lượng khoảng 4 tấn, mang về doanh thu gần 160 triệu đồng.

Không dừng lại ở nuôi trồng, ông Trà còn kết hợp mô hình cá lồng với du lịch trải nghiệm. Du khách đến đây có thể tham quan bè nuôi, thưởng thức cá tươi ngay tại chỗ, từ đó góp phần phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại An Phú.

Ông Trà cho biết: “Lúc mới bắt đầu, gia đình rất lo lắng vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật và định hướng từ chính quyền địa phương, mô hình cá lồng không những phát triển ổn định mà còn mở rộng theo hướng gắn kết du lịch.”

Hiện nay, toàn xã An Phú có 16 hộ dân đang khai thác kinh tế từ hồ Thác Bà thông qua các hình thức như nuôi cá lồng, chăn nuôi gia súc, trồng rừng và làm dịch vụ. Nhờ chính sách hỗ trợ vốn, kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất và kết nối tiêu thụ từ chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ chính tiềm năng quê hương.

Ông Lê Văn Bằng – Phó Chủ tịch UBND xã An Phú – khẳng định: “Xã đang định hướng xây dựng chuỗi giá trị kinh tế và tạo liên kết giữa các mô hình để tăng hiệu quả sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống người dân.”

Mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Văn Trà ở thôn Khau Vi trên hồ Thác Bà (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái )
Mô hình nuôi cá lồng của ông Nguyễn Văn Trà ở thôn Khau Vi trên hồ Thác Bà (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái )

Từng là vùng đất gặp nhiều trở ngại do địa hình đồi núi và điều kiện sống khắt khe, xã An Phú nay đã thay đổi đáng kể. Hồ Thác Bà không chỉ mang lại nguồn nước quý giá mà còn là nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Từ chăn nuôi, thủy sản đến du lịch, các mô hình sinh kế đang dần định hình tương lai mới cho người dân nơi đây.

Với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và sự sáng tạo, kiên cường của người dân, An Phú đang khẳng định vai trò là một điểm sáng trong khai thác tiềm năng vùng hồ, góp phần làm giàu cho quê hương từ chính điều kiện tự nhiên tưởng chừng khắc nghiệt.

Quảng Cáo Liên Quan