Lào Cai Online – Sa Pa không chỉ cuốn hút du khách bằng khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ hay những lễ hội đậm đà bản sắc, mà còn để lại ấn tượng bởi sắc màu thổ cẩm rực rỡ, gắn liền với đời sống, tâm hồn và truyền thống của người dân bản địa. Đằng sau từng đường kim mũi chỉ là những câu chuyện đong đầy yêu thương – không chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình cảm sâu nặng với quê hương, văn hóa và cội nguồn dân tộc.
Tại bản Can Ngài, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai), Giàng Thị Rủ – cô gái người Mông tuổi đôi mươi – khởi đầu mỗi buổi sáng bằng việc ngồi bên khung cửi, cần mẫn dệt nên những tấm vải thổ cẩm. Trải qua hai năm học nghề, Rủ đã thành thạo từ nhuộm vải, thêu hoa văn đến may đo thành phẩm.
Từng có lúc mơ về cuộc sống nơi phố thị, nhưng chính tình yêu với những họa tiết truyền thống cùng lời kể của mẹ về ý nghĩa từng hoa văn đã giữ cô ở lại. “Em tự hào khi có thể giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến với bạn bè khắp nơi. Nghề thêu may thổ cẩm không chỉ cho em kế sinh nhai mà còn giúp em gìn giữ bản sắc của người Mông”, Rủ chia sẻ.

Gắn bó với thổ cẩm hơn một thập kỷ, chị Thào Thị Sung – cũng ở thôn Can Ngài – là một trong những người tiên phong biến đam mê thành sự nghiệp. Từng rong ruổi khắp nơi để học hỏi kỹ thuật dệt, chị Sung mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng để khởi dựng xưởng sản xuất tại gia. Những ngày đầu còn khó khăn, khách chủ yếu là người qua đường ghé mua ủng hộ. Nhưng nhờ nỗ lực kết nối, tham dự các hội chợ tại Hà Nội, TP.HCM, dần dần chị đã có lượng khách quen ổn định.
Quảng Cáo
Không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn nghề, chị Sung còn đổi mới mẫu mã để phù hợp với thị hiếu hiện đại. Các sản phẩm như túi đựng laptop, ví cầm tay, khăn trải bàn, vỏ gối… đều được thiết kế thủ công, mang đậm nét truyền thống kết hợp với tiện ích thời nay.
Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị tạo việc làm cho hơn 20 lao động địa phương – tất cả đều là phụ nữ – với mức thu nhập ổn định. Giải thưởng Lương Định Của mà chị nhận được vào năm 2016 là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ và sáng tạo không ngừng.

Theo ông Vàng A Dình, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Can Ngài: “Mô hình thổ cẩm của gia đình chị Sung là hình mẫu điển hình tại địa phương. Chúng tôi thường xuyên khuyến khích bà con tới học hỏi để nhân rộng mô hình, phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa”.
Không chỉ riêng gia đình chị Sung, nhiều người dân Sa Pa đang từng ngày thắp lửa đam mê với nghề dệt thổ cẩm. Mỗi câu chuyện là một lát cắt sống động về nỗ lực mưu sinh và giữ gìn di sản dân tộc. Trong bối cảnh du lịch phát triển mạnh, sản phẩm thổ cẩm không chỉ là vật phẩm lưu niệm mà còn trở thành cầu nối văn hóa giữa các vùng miền, giữa quá khứ và hiện đại.
Sa Pa không thiếu những điều để yêu, để nhớ. Nhưng thổ cẩm – với sắc màu, hoa văn và những bàn tay tài hoa của người Mông – chính là một trong những linh hồn của mảnh đất này. Mỗi sản phẩm không đơn thuần là hàng hóa, mà là một tác phẩm văn hóa, chứa đựng tâm huyết, tình yêu và khát vọng sống.
Giữa nhịp sống hiện đại, câu chuyện về những người như Giàng Thị Rủ, Thào Thị Sung hay những nghệ nhân thầm lặng khác chính là minh chứng sống động cho tinh thần gắn bó với quê hương và nỗ lực bảo tồn giá trị truyền thống theo cách rất riêng của người vùng cao.
Quảng Cáo Liên Quan