Lào Cai Online – Sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, nhiều xã vùng cao của tỉnh Lào Cai phải xoay xở bằng cách tận dụng tầng hầm trung tâm văn hóa và cả trạm y tế để làm nơi làm việc cho cán bộ, do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.
Sáng 10/7, tại xã Mường Hum (huyện Bát Xát cũ, nay thuộc địa giới hành chính mới của Lào Cai), nơi đang trong giai đoạn đầu vận hành chính quyền hai cấp. Đây là một trong những địa phương tiêu biểu cho thực trạng thiếu hụt không gian làm việc sau sáp nhập.
Quảng Cáo
Trụ sở hiện tại của xã Mường Hum là công trình cũ được xây dựng từ nhiều năm trước, vốn chỉ đủ phục vụ quy mô một xã. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thêm Trung Lèng Hồ và Nậm Pung, số lượng cán bộ, công chức tại địa phương đã tăng gấp ba lần, gây áp lực lớn lên hạ tầng hành chính.
Quảng Cáo
Một số cán bộ phải chia sẻ cùng phòng làm việc nhỏ, nơi chỉ có thể kê vừa vài bàn ghế và thiết bị cơ bản. Trong khi chờ đầu tư mở rộng, chính quyền địa phương đã cải tạo tầng hầm trung tâm văn hóa để làm văn phòng tạm thời, đồng thời trưng dụng trạm y tế cũ làm nhà công vụ.

Anh Trần Văn Quỳnh – cán bộ Ban Xây dựng Đảng xã Mường Hum – cho biết: “Có những phòng làm việc hiện có đến 4 cán bộ cùng dùng chung. Điều kiện vật chất còn rất hạn chế, nhưng lãnh đạo xã đã cố gắng thu xếp nơi ăn, ở để cán bộ yên tâm công tác”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Lan – chuyên viên Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Mường Hum – chia sẻ thêm: “Nhà tôi ở phường Lào Cai, trước kia đi làm gần hơn nhiều. Nay mỗi ngày tôi phải di chuyển hơn 60km để đến trụ sở. Do xã chưa có chỗ ở nội trú nên tôi đã phải thuê trọ bên ngoài”.

Một khó khăn lớn khác là việc lưu trữ văn bản, tài liệu sau sáp nhập. Lượng hồ sơ từ ba xã dồn về khiến khối lượng giấy tờ tăng vọt, trong khi trụ sở hiện không có kho chứa chuyên biệt. Cán bộ phải tạm đặt hồ sơ trong thùng giấy, để dưới gầm bàn hoặc hành lang, tiềm ẩn nhiều rủi ro về bảo quản, an toàn thông tin.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Mường Hum – thông tin: “Trước đây toàn bộ xã chỉ có 23 cán bộ, nay tổng nhân sự tăng nhanh khiến chúng tôi phải sắp xếp linh hoạt. Ưu tiên trước mắt là có không gian để hoạt động ổn định, về lâu dài sẽ cần đầu tư bài bản hơn”.
Theo ông Sơn, hiện vẫn còn nhiều phòng làm việc chưa đủ bàn ghế cho toàn bộ nhân viên. Một số ban chỉ mới có chỗ cho trưởng phòng, còn cán bộ cấp dưới phải kê thêm bàn phụ để làm việc chung.

Thống kê từ Sở Nội vụ tỉnh Lào Cai cho thấy, khoảng 20% xã mới sau sáp nhập chưa đủ trang thiết bị phục vụ hành chính. Tại nhiều xã vùng biên giới, điều kiện còn khó khăn hơn khi chưa thể kết nối phần mềm hành chính điện tử do thiếu hạ tầng mạng và thiết bị công nghệ thông tin.
Trước thực trạng này, tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ xem xét hỗ trợ thêm nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa và biên giới. Mục tiêu là từng bước đảm bảo điều kiện hoạt động đồng bộ, hiệu quả cho bộ máy chính quyền địa phương trong giai đoạn mới.
Thuỳ Như
Quảng Cáo Liên Quan