Bát Xát: Hiệu quả từ việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp trong sản xuất

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Trong những năm gần đây, nhiều hộ dân tại huyện Bát Xát đã chủ động áp dụng mô hình tái sử dụng phế phẩm nông nghiệp vào sản xuất. Phương pháp này không chỉ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh, an toàn.

Nhờ sự hỗ trợ từ Hội Nông dân tỉnh và các chương trình tuyên truyền về xử lý rác thải nông nghiệp, nhiều nông hộ đã thay đổi tư duy sản xuất. Điển hình như gia đình ông Dương Văn Tiến (thôn Làng Quang, xã Quang Kim) đã tận dụng rơm rạ, thân ngô sau thu hoạch để ủ thành phân bón hữu cơ bằng men vi sinh, kết hợp nuôi trùn quế. Phương pháp này không chỉ giúp giảm chi phí mua phân bón hóa học mà còn tạo ra nguồn phân hữu cơ sạch, giúp cây trồng phát triển bền vững. Nhờ đó, mỗi năm, gia đình ông Tiến thu về khoảng 150 triệu đồng từ trồng rau sạch.

Tham quan mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp tại xã Quang Kim. (Ảnh Truyền Hình Bát Xát)
Tham quan mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp tại xã Quang Kim. (Ảnh Truyền Hình Bát Xát)

Hội Nông dân huyện Bát Xát đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và chính quyền địa phương triển khai nhiều dự án nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Tiêu biểu là dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” được triển khai tại các xã Bản Vược, Bản Qua, Quang Kim giai đoạn 2022 – 2024.

Ngoài ra, mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật vào trồng cây lê VH6 theo tiêu chuẩn an toàn sinh học cũng đã được áp dụng tại thôn Kin Chu Phìn 1 (xã Nậm Pung) trên diện tích 4,8 ha với sự tham gia của 12 hộ dân. Dự án này cung cấp 1.920 cây lê giống, 8.500 kg phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh, cùng 300 kg vôi bột, với tổng ngân sách lên đến 566,8 triệu đồng.

Quảng Cáo

Song song với đó, các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp cũng được đẩy mạnh. Cụ thể, dự án đã bàn giao 25 bể chứa vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại xã Mường Vy với kinh phí 183,25 triệu đồng. Đồng thời, xã Quang Kim cũng được hỗ trợ một xe điện chở rác và 13 thùng chứa rác nhằm thực hiện mô hình bảo vệ môi trường với tổng vốn đầu tư 100 triệu đồng.

Thu gom rơm rạ để ủ thành phân bón phục vụ sản xuất. (Ảnh Truyền Hình Bát Xát)
Thu gom rơm rạ để ủ thành phân bón phục vụ sản xuất. (Ảnh Truyền Hình Bát Xát)
Thu gom chất thải chăn nuôi để nuôi trùn quế phục vụ sản xuất. (Ảnh Truyền Hình Bát Xát)
Thu gom chất thải chăn nuôi để nuôi trùn quế phục vụ sản xuất. (Ảnh Truyền Hình Bát Xát)

Các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt đang mang lại những kết quả tích cực, giúp xây dựng hệ thống sản xuất khép kín. Việc sử dụng phân bón hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp không chỉ giảm ô nhiễm mà còn tạo nguồn dinh dưỡng dồi dào cho cây trồng, vật nuôi. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến nền sản xuất bền vững, an toàn và thân thiện với môi trường.

Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp biến động, việc tận dụng phế phẩm trong sản xuất không chỉ giúp giảm chi phí mà còn nâng cao giá trị nông sản, cải thiện thu nhập cho người dân. Đây được xem là hướng đi cần được nhân rộng để phát triển nền nông nghiệp xanh, đáp ứng xu thế thị trường hiện đại.

Thanh Huế

Quảng Cáo Liên Quan