Lào Cai Online – Vụ việc sản phụ Q.A. phản ánh về quá trình điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng. Theo chia sẻ, chị gặp biến chứng thai kỳ nghiêm trọng nhưng không nhận được sự hỗ trợ kịp thời, dẫn đến việc em bé sinh non ở tuần 25 không qua khỏi.
Ngày 21/2, câu chuyện của sản phụ sinh năm 1997 tại Bắc Giang lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Theo lời kể của người chồng, chị A. được chẩn đoán ngắn cổ tử cung và phải khâu vòng ở tuần thai thứ 20. Khi thai 24 tuần, chị có dấu hiệu đau bụng và nhập viện tại tỉnh Bắc Giang. Vì tình trạng không cải thiện, chị được chuyển lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương vào mùng 2 Tết.
Suốt thời gian nằm viện, chị A. nhiều lần xuất hiện cơn đau quằn quại, đặc biệt vào ban đêm. Gia đình cho biết, bác sĩ đã kê đơn truyền thuốc Tractocile với chi phí 22 triệu đồng để giảm cơn co thắt. Tuy nhiên, đến mùng 6 Tết, dù các bác sĩ đánh giá tình trạng ổn định và có thể xuất viện trong vài ngày, chị A. lại tiếp tục đau đớn dữ dội vào ban đêm, kèm theo dấu hiệu ra dịch nhầy lẫn máu.
Đến sáng mùng 7 Tết, bác sĩ nhận định chưa cần truyền thêm thuốc và từ chối khám lại vì bệnh nhân vẫn đang điều trị. Đêm đó, sản phụ tiếp tục chịu đựng những cơn đau dữ dội, thậm chí có dấu hiệu rò ối nhưng được kết luận chỉ là “khí hư”.
Quảng Cáo
Sáng hôm sau, tình trạng xuất huyết ngày càng nặng khiến chị lo lắng và yêu cầu chuyển viện. Dù bác sĩ cam kết theo dõi sát sao, gia đình quyết định tự nguyện rời Bệnh viện Phụ sản Trung ương để đến cấp cứu tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ xác định ối đã cạn, nước ối có màu đục, nguy cơ mất luôn tử cung nếu không can thiệp kịp thời. Trong tình huống nguy cấp, ưu tiên hàng đầu là cứu mẹ.
Bé sơ sinh chào đời trong tình trạng non tháng, phải nằm lồng kính và truyền kháng sinh suốt 7 ngày. Dù có thời điểm sức khỏe tiến triển, nhưng nhiễm khuẩn tái phát khiến bé không qua khỏi vào rạng sáng 20/2.
Trước sự việc gây xôn xao dư luận, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, đã lên tiếng chia sẻ:
“Trước hết, tôi rất thông cảm và chia sẻ với mất mát của gia đình. Tuy nhiên, đây là một ca bệnh vô cùng khó khăn. Sản phụ bị rỉ ối sớm kèm nguy cơ sinh non – một trong những tình huống phức tạp nhất trong sản khoa.”
Ông khẳng định bệnh viện đã rà soát hồ sơ bệnh án và làm việc với ê-kíp điều trị. Về mặt chuyên môn, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ điều trị tốt nhất, nhưng với thai nhi chỉ 25 tuần tuổi, cơ hội sống sót là vô cùng mong manh.
“Trong hàng nghìn ca bệnh khó, có 999 ca được cứu sống, đó là thành công lớn của y học. Nhưng với gia đình bệnh nhân, chỉ một ca không qua khỏi cũng là nỗi đau vô tận. Bác sĩ không thể chọn lựa ca bệnh, chỉ có thể cố gắng hết sức.” – Giám đốc bệnh viện chia sẻ.
Ngoài ra, lãnh đạo bệnh viện cũng cam kết sẽ kiểm tra lại toàn bộ quy trình, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai sót trong thái độ phục vụ hoặc chuyên môn.
Sự việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến bày tỏ sự cảm thông với gia đình sản phụ, đồng thời đặt câu hỏi về trách nhiệm của bệnh viện trong quá trình điều trị.
Dù phía bệnh viện khẳng định đã làm đúng quy trình, nhưng những tranh luận xoay quanh việc xử lý tình huống của bác sĩ, cũng như phản ứng chậm trễ trước dấu hiệu bất thường của sản phụ, vẫn tiếp tục gây tranh cãi.
Sự việc này một lần nữa dấy lên lo ngại về chất lượng dịch vụ y tế và cách bệnh viện ứng phó với các ca nguy cấp. Hiện, cộng đồng vẫn đang chờ đợi những động thái tiếp theo từ cơ quan chức năng và Bệnh viện Phụ sản Trung ương để làm rõ vụ việc.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan