Bộ đàn đá chưa “danh phận” giữa lòng đại ngàn

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Giữa buôn Lê, thị trấn Liên Sơn (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), trong căn nhà sàn đẹp đẽ với nhiều chiêng, ché và trống cổ, có một báu vật nằm lặng lẽ – không có tên trong bất kỳ hồ sơ khảo cổ hay danh mục di sản nào. Đó là bộ đàn đá cổ gồm 9 thanh, phát ra âm thanh ngân vang như tiếng suối đêm, được nghệ nhân Ay Thọ cất giữ suốt hơn 20 năm qua.

Nghệ nhân Ay Thọ và bộ đàn đá đang cất giữ tại nhà của ông ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Nghệ nhân Ay Thọ và bộ đàn đá đang cất giữ tại nhà của ông ở buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Theo nghệ nhân Ay Thọ, bộ đàn đá được phát hiện tình cờ khi một người dân xã Krông Nô đi phát rẫy, đuổi bắt dúi và đào trúng những thanh đá dài ngắn khác nhau nằm sâu dưới bụi tre. Khi gõ thử, chúng phát ra âm thanh trong vắt, gợi tiếng rừng, tiếng gió luồn khe đá, như âm nhạc tiền sử vọng về từ lòng đất. Nhận ra giá trị đặc biệt, ông Ay Thọ lập tức tìm đến mua lại và mang về cất giữ. Từ đó, bộ đàn đá gắn bó với các lễ hội gia đình, lễ cúng Giàng, những buổi biểu diễn trong buôn – không như hiện vật khảo cổ, mà như một phần máu thịt của đời sống văn hóa truyền thống.

Thế nhưng suốt hơn hai thập niên qua, không một cơ quan văn hóa nào đến thẩm định hay ghi nhận giá trị bộ đàn đá này, dù theo Luật Di sản Văn hóa, những hiện vật phát lộ trong lòng đất – đặc biệt có giá trị lịch sử đều phải được báo cáo, thẩm định và bảo vệ. Không ai hướng dẫn ông Ay Thọ – một người M’nông chất phác về trách nhiệm pháp lý hay khoa học khi sở hữu cổ vật. Chính quyền địa phương cũng khẳng định chưa từng nhận được thông tin nào và chỉ biết đến sự tồn tại của bộ đàn qua lời truyền miệng. Sự thiếu kết nối giữa người dân và ngành Văn hóa đã khiến một báu vật có thể là “độc nhất vô nhị” của Tây Nguyên rơi vào cảnh “ngủ quên”, lặng lẽ tồn tại không hồ sơ, không danh phận.

Những thanh đàn đá được gia chủ đặt trên ghế kapan
Những thanh đàn đá được gia chủ đặt trên ghế kapan

Điều đáng nói là, trong khi bộ đàn đá của ông Ay Thọ chưa từng được giới khoa học tiếp cận, thì từ hàng chục năm trước, các nhà khảo cổ tại Lâm Đồng – vùng giáp ranh Đắk Lắk đã phát hiện và đưa về bảo tàng trưng bày 5 bộ đàn đá, trong đó có bộ Blao, Di Linh và đặc biệt là bộ 19 thanh của người M’nông. Hiện tại, các bộ đàn đá này đã được công nhận là đàn đá Quốc gia. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu bộ đàn đá mà ông Ay Thọ lưu giữ có phải là phần còn sót lại của hệ thống đàn đá cổ xưa từng hiện diện ở vùng rừng Lắk – Krông Nô? Hay thậm chí là một di tích có niên đại xa hơn, mang dấu vết âm nhạc tiền sử của người Tây Nguyên?

Quảng Cáo

Những giả thuyết đó hoàn toàn có cơ sở khi nhìn lại công trình nghiên cứu của Nhà Dân tộc học người Pháp Codominac, người từng phát hiện một bộ đàn đá 11 thanh cũng chính tại Krông Nô vào năm 1950 – một bộ đàn mà cho đến nay vẫn còn lưu giữ tại bảo tàng nước Pháp và chưa từng được so sánh đối chiếu với bất kỳ hiện vật nào tại địa phương.

Vấn đề đặt ra không chỉ là trách nhiệm bảo tồn, mà còn là cơ hội tái khám phá một phần lịch sử bị bỏ quên. Nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian tại Đắk Lắk nhận định rằng, nếu được khảo sát, giám định niên đại và âm thanh, bộ đàn đá trong nhà sàn ông Ay Thọ có thể trở thành di sản sống – một minh chứng mạnh mẽ cho sự hiện diện lâu đời của người M’nông tại vùng đất này, đồng thời góp phần hoàn chỉnh bản đồ phân bố nhạc cụ tiền sử Việt Nam. Không những thế, đây còn là cơ hội để khơi dậy lại giá trị của cồng chiêng, đàn đá và các nhạc cụ dân gian khác – vốn là hồn cốt của không gian văn hóa Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận.

Nghệ nhân Ay Thọ chia sẻ những thông tin về bộ đàn đá.
Nghệ nhân Ay Thọ chia sẻ những thông tin về bộ đàn đá.

Trong bối cảnh hiện vật bị nứt vỡ (một thanh đá lớn đã gãy đôi), nếu không được thẩm định và có phương án bảo quản kịp thời, bộ đàn đá sẽ tiếp tục bị phong hóa, mất tiếng, hoặc tệ hơn – biến mất vĩnh viễn như nhiều di sản từng bị đánh mất bởi sự thiếu quan tâm của con người.

Nghệ nhân Ay Thọ chia sẻ, mỗi lần gõ đàn, ông như nghe lại tiếng ông bà, tiếng suối, tiếng rừng – một cuộc hội ngộ thầm lặng giữa người sống và linh hồn đại ngàn. Nhưng một báu vật nếu không được ghi nhận đúng cách, sẽ mãi chỉ là câu chuyện lặng lẽ trong góc bếp nhà sàn. Đã đến lúc ngành Văn hóa tỉnh Đắk Lắk cần vào cuộc: khảo sát, định danh, đưa bộ đàn vào diện bảo tồn để gìn giữ một di sản có thể thuộc về cả dân tộc, và trả lại cho người M’nông một phần ký ức âm thầm ngân vang suốt nhiều thế hệ. Bởi lẽ, một tiếng gõ đá hôm nay nếu được lắng nghe và trân trọng có thể vọng về cả ngàn năm lịch sử chưa từng được viết bằng chữ, mà lưu giữ bằng âm thanh.

Quảng Cáo Liên Quan