Lào Cai Online – Từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (MTQG 1719) được triển khai giai đoạn 2021–2030 (giai đoạn I từ 2021–2025), hàng loạt chính sách hỗ trợ thiết thực đã góp phần cải thiện đời sống người dân. Đặc biệt, Dự án 1 của chương trình tập trung hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất… đã giúp hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) an cư, ổn định sản xuất và từng bước thoát nghèo.
Những mái nhà mới – nền móng cho cuộc sống bền vững
Tại Thái Nguyên – một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719 – gần 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư đã được phân bổ trong giai đoạn 2021–2025. Đến nay, hơn 200 hộ DTTS đã được hỗ trợ xây nhà mới, trên 500 hộ được cấp nước sinh hoạt.
Điển hình là gia đình chị Nguyễn Thị Uyên (xóm Vang, xã Liên Minh, huyện Võ Nhai). Với 44 triệu đồng hỗ trợ từ chương trình cùng khoản vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị đã có ngôi nhà khang trang 4 gian, thay thế cho căn nhà tạm bợ trước đây. “Có nhà kiên cố, chúng tôi yên tâm làm ăn, tập trung phát triển kinh tế và chăm lo cho con cái học hành,” chị Uyên xúc động chia sẻ.
Trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ: giao đất ở cho 27 hộ, hỗ trợ xây nhà cho 153 hộ, cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 1.200 hộ, đầu tư 9 công trình cấp nước tập trung… Những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS.
Quảng Cáo

Sơn La – xóa nhà tạm, nâng cao chất lượng cuộc sống
Tại huyện Phù Yên (Sơn La), nhờ nguồn lực từ Dự án 1 của chương trình, 173 hộ dân đã có nhà ở kiên cố. Anh Mùi Văn Tiến – cư dân điểm tái định cư Suối Dinh 1 (xã Mường Bang) – cho biết: “Gia đình tôi được cấp đất ở và 2ha đất sản xuất. Nhờ vậy, chúng tôi có thể trồng cây dược liệu, rừng kinh tế và cây ngắn ngày để ổn định thu nhập.”
Theo lãnh đạo UBND huyện Phù Yên, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn chương trình đã giúp huyện xóa hoàn toàn nhà tạm từ đầu năm 2024, nâng tỷ lệ hộ dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên trên 90%. Đồng bào từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Huyện cũng tập trung chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với địa phương rà soát kỹ lưỡng tình trạng thiếu hụt đất ở, đất sản xuất, nước sạch để đảm bảo chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng.
Đắk Lắk – tiếp sức an cư cho người nghèo vùng cao
Tại xã Cư Prông (huyện Ea Kar), Chương trình MTQG 1719 đã giúp xây dựng 36 ngôi nhà cho hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn từ năm 2023. Mỗi hộ được nhận 40 triệu đồng từ chương trình, vay ưu đãi 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời nhận thêm 4 triệu đồng hỗ trợ từ tỉnh. Nhờ đó, từ năm 2023–2024, toàn huyện đã xây được 250 ngôi nhà mới cho đồng bào DTTS.

Trà Vinh – lan tỏa chính sách nhân văn đến đồng bào Khmer
Huyện Cầu Ngang (tỉnh Trà Vinh) cũng có những chuyển biến rõ nét khi triển khai Dự án 1. Trong giai đoạn 2021–2025, địa phương đã hỗ trợ về nhà ở và đất ở cho 876 hộ khó khăn và hộ DTTS. Trong đó có 21 hộ được giao đất ở, 429 hộ được hỗ trợ cải tạo nhà chưa đạt tiêu chuẩn “3 cứng”, 201 hộ thiếu đất sản xuất được chuyển đổi nghề, và 225 hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tổng kinh phí thực hiện lên tới hơn 39,6 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh – ông Lê Văn Hẳn – cho biết: tỉnh đã tích cực ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách. Người dân được phổ biến đầy đủ về quyền lợi, điều kiện tiếp cận các hỗ trợ từ chương trình như đất ở, nhà ở, nước sạch, chuyển đổi nghề… Nhờ đó, nhận thức và tinh thần chủ động của người dân trong việc vươn lên phát triển kinh tế đã được nâng cao đáng kể.
Động lực thoát nghèo từ chính sách “trúng” nhu cầu
Dự án 1 trong Chương trình MTQG 1719 không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn tạo đòn bẩy về tinh thần để người dân yên tâm sinh sống, từ đó có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Hiệu quả của chương trình không chỉ thể hiện qua số lượng nhà ở được xây dựng hay tỷ lệ hộ được hỗ trợ, mà còn ở những chuyển biến sâu sắc về đời sống xã hội: tỷ lệ hộ nghèo giảm, hạ tầng được đầu tư, tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh tăng… Đây chính là bước đi thiết thực, tạo điều kiện để hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của đồng bào DTTS.
Thanh Chúc
Quảng Cáo Liên Quan