Chuyện về những nông dân góp sức tạo diện mạo mới cho bản nghèo Suối Tút

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Suối Tút từng là một bản nghèo heo hút, cư dân sinh sống chủ yếu là người Dao ở xã Quang Chiểu, huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hoá), song những năm gần đây tranh thủ các nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân nơi đây, bản Suối Tút đã khoác lên mình diện mạo mới.

Bản Suối Tút đã về đích nông thôn mới từ đầu năm 2025
Bản Suối Tút đã về đích nông thôn mới từ đầu năm 2025

Cái khó không bó được ý chí vươn lên…

Hai năm trước, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Suối Tút – bản vùng cao nằm nép mình giữa núi rừng xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, cảnh tượng đầu tiên là những căn nhà vách gỗ, mái lợp tạm đìu hiu lẫn trong màn sương chiều ảm đạm. Ngày ấy, con đường dẫn vào bản thì gập ghềnh đất đỏ, bùn lầy. Những đứa trẻ trong bản chơi đùa giữa bùn đất, tay mặt lấm lem, chẳng mấy đứa có dép đi. Khi hoàng hôn buông xuống, cả bản chìm trong bóng tối, chỉ le lói vài ánh đèn dầu hiu hắt.

Đó là chuyện trước kia, hôm nay, trở lại Suối Tút, thật ngỡ ngàng. Những căn nhà xây mái lợp tôn khang trang san sát, đường bê tông sạch sẽ len lỏi đến từng ngõ nhỏ. Bản đã có điện, có nước, có mạng internet…và nói như lãnh đạo xã, nơi đây bà con đã xây dựng hình thành được những khát vọng làm giàu…

Quảng Cáo

Người đầu tiên mà chúng tôi tìm gặp là ông Phan Văn Liều, 58 tuổi, dáng nhỏ thó, chất phác nhưng khá nhanh nhẹn. Ông là người Dao sinh ra và lớn lên tại Suối Tút. Ông là người đưa cây cam từ đất nước Lào về trồng, không chỉ làm thay đổi cuộc sống của gia đình mà còn giúp cho bao hộ dân bản Suối Tút có cuộc sống khấm khá hơn.

Theo lời ông kể, năm 2015, khi hầu hết bà con trong bản vẫn còn trồng ngô, sắn, xoan trên nương nhưng cho hiệu quả thấp, ông Liều đã trăn trở nghĩ cách thay đổi để có cuộc sống tốt hơn. Một lần sang Lào ăn cưới người quen, ông được mời ăn giống cam ngọt thanh, thơm mát, hỏi người quen biết được giống cam này trồng ở vùng đất và khí hậu tương đối giống Suối Tút. Thế là vị cam ấy như một “cái duyên” với ông. Về nhà, ông trăn trở mãi, rồi quyết định sang Lào học cách ươm hạt, làm bầu, chăm cây.

Ông Phan Văn Liều bên vườn cam đã ra quả
Ông Phan Văn Liều bên vườn cam đã ra quả

Sau đó là những tháng ngày vất vả khai hoang, phát nương, đào hố, ươm cây giống trên vùng đất khô cằn toàn đá cuội. Cây chết, ông lại ươm lại. Bảy năm trời miệt mài vun trồng, cuối cùng cây cũng đơm hoa, kết trái. “Cái hôm thấy chùm quả đầu tiên, tôi vui lắm. Ngửi mãi cái mùi cam thơm, mà nước mắt cứ chực trào ra vì biết là mình làm được rồi!”, ông xúc động kể lại về cảm xúc của ngày đó.

Hiện tại, gia đình ông có 2.000 gốc cam, trong đó hơn 700 cây đang cho thu hoạch. Ngoài ra, ông còn duy trì nghề rèn truyền thống của cha mình và nhờ chịu khó học hỏi về kỹ thuật, kinh nghiệm rèn mà ông trở thành thợ rèn giỏi nhất vùng, được nhiều khách hàng từ xa tìm đến mua. Không chỉ trồng cam, làm rèn, gia đình ông còn chăn nuôi 10 con bò, trồng lúa trên nương.

Nguồn thu từ các nghề đã giúp gia đình ông thoát khỏi cảnh nghèo đói. Năm 2024, ông Liều đã làm đơn xin thoát nghèo, nhường sự hỗ trợ cho các hộ khó khăn hơn. “Mình làm được thì phải nhường cho người khác làm tiếp. Không thể dựa mãi vào Nhà nước được”, ông nói.

Năm 2024, gia đình ông Phan Văn Liều làm ngôi nhà to nhất bản.
Năm 2024, gia đình ông Phan Văn Liều làm ngôi nhà to nhất bản.

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu chia sẻ: “Với đồng bào dân tộc thiểu số, những người như bác Phan Văn Liều – dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động – thực sự rất đáng trân trọng. Lá đơn xin thoát nghèo của bác không chỉ là sự đáp ứng các tiêu chí hành chính, mà sâu xa hơn, đó là biểu hiện của lòng tự trọng, của khát vọng không sống dựa vào sự hỗ trợ mà tự mình vươn lên thoát nghèo.”

Góp sức thay đổi bản nghèo 

Ở bản Suối Tút còn có là ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản kiêm Bí thư Chi bộ bản. Ông không chỉ là người đi đầu trong các hoạt động của địa phương, mà còn là người truyền cảm hứng cho dân bản trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Nhiều năm trước, ông Lai cũng từng trăn trở vì vùng đất khô cằn, trồng gì cũng kém năng suất. Khi thấy ông Liều thành công với giống cam Lào, ông mạnh dạn chuyển đổi hơn 2ha rẫy từ trồng sắn sang trồng cam. “Làm lãnh đạo thì phải làm gương, cũng phải học hỏi cái hay, cái tốt của nhau. Mình không đi trước thì làm sao dân tin, dân theo”, ông chia sẻ.

Sau ba năm, vườn cam của ông đã bắt đầu cho thu quả đều, giúp gia đình có nguồn thu ổn định. Bên cạnh đó, ông Lai còn nuôi thêm 13 con trâu bò, mở cửa hàng tạp hóa nhỏ phục vụ bà con trong bản. Hai người con trai của ông hiện đang lao động xuất khẩu ở Nhật Bản và Hàn Quốc, đều đặn gửi tiền về phụ giúp gia đình.

Ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút cho biết, bà con trong bản đều rất ý thức trong việc vươn lên thoát nghèo
Ông Tặng Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút cho biết, bà con trong bản đều rất ý thức trong việc vươn lên thoát nghèo

Nhờ sự tiên phong của ông Lai, phong trào chuyển đổi cây trồng ở Suối Tút lan rộng. Cả bản hiện có hơn 30ha cam – một con số mà chính quyền xã Quang Chiểu cũng phải bất ngờ khi thống kê.

Từ chỗ gần như “biệt lập” với thế giới bên ngoài, đầu năm 2023, Suối Tút được đầu tư điện lưới quốc gia, thắp sáng ước mơ bao thế hệ. Những căn nhà khang trang được xây dựng từ đồng vốn làm ăn, từ xuất khẩu lao động và từ cây cam đặc sản. Các thanh niên trong bản không còn ở nhà đốt củi, phát nương mà mạnh dạn đi làm khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động – hiện bản có 8 người đi làm việc ở nước ngoài.

Bản Suối Tút hiện chỉ còn 3/28 hộ nghèo, được sự quan tâm của Nhà nước, góp sức của người dân, đường giao thông nội bản, điện, nước sạch, trường học, nhà văn hóa đều đã được đầu tư đồng bộ. Trưởng bản Tặng Văn Lai cho biết: “Đầu năm 2025, Suối Tút đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, và không dừng lại ở đó, chúng tôi còn đang phấn đấu xây dựng bản kiểu mẫu.”

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu thông tin thêm, bản Suối Tút đã về đích nông thôn mới từ đầu năm 2025. Cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện cơ bản, tiêu chí môi trường đứng đầu toàn xã. Kinh tế ngày một khấm khá, người dân tích cực vươn lên bằng sức lực của chính mình. Những năm gần đây, kinh tế của bản phát triển khá, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Quảng Cáo Liên Quan