Lào Cai Online – Ngày 14/5, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký các quyết định về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, có thêm 4 di sản tại Hà Nội, An Giang và Lào Cai được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo đó, 4 di sản được Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký gồm: Quyết định số 1350/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa nghệ thuật trình diễn dân gian “Nghệ thuật diễn tấu trống Chhay-dăm của người Khmer huyện Tri Tôn và Thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tại Quyết định số 1351/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa lễ hội truyền thống “Hội hát Chèo tàu Tổng Gối xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tại Quyết định số 1352/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa tập quán xã hội và tín ngưỡng “Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Tại Quyết định số 1353/QĐ-BVHTTDL ngày 14/5/2025, quyết định đưa nghề thủ công truyền thống “Nghề đan lát của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trống Chhay-dăm được xem là một phần không thể thiếu trong các nghi lễ, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng của người Khmer, thường được biểu diễn trong dịp Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ook om bok hoặc các dịp thu hoạch mùa màng bội thu… Tiếng trống và điệu múa Chhay-dăm mang ý nghĩa về sự vui tươi, sức khỏe và an lành. Đây cũng là cách để gắn kết cộng đồng, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên và các vị thần trong tâm thức đồng bào Khmer. Đồng thời, truyền đạt giá trị lịch sử và tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cho thế hệ trẻ Khmer.

Lễ hội truyền thống Chèo tàu Tổng Gối (gồm bốn làng: Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỳ và Phan Long) diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 tháng giêng hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Lăng Văn Sơn và Miếu Voi Phục, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng. Theo tích xưa kể lại, tướng Văn Dĩ Thành là một người con thuộc dòng dõi quan lại triều Trần, sinh ra ở vùng tổng Gối xưa. Là một người học rộng tài cao, thông thạo kinh sử, ông đã có công chiêu mộ binh lính, huấn luyện quân nhân chống lại giặc Minh. Ông nổi tiếng với 6 lời thề ước và chỉ huy đội đánh đâu thắng đấy. Dưới sự lãnh đạo tài tình của ông, quân giặc đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Sau khi ông hy sinh trên đất tổng Gối, để ca ngợi ân đức của tướng Văn Dĩ Thành, người dân tổng Gối đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo Chèo tàu. Vào dịp Rằm tháng Giêng hằng năm, người dân ở Tổng Gối (nay là xã Tân Hội) lại tổ chức lễ hội truyền thống hát Chèo tàu.
Quảng Cáo
Lễ hội nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phi vật thể Chèo tàu của địa phương; phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; thiết thực phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần và đời sống tâm linh của nhân dân trên địa bàn. Phần hội: Gồm có màn bắn pháo hoa, trống hội, chương trình nghệ thuật chào mừng và các hoạt động hát Màn trống hội, múa rồng, lân, các trò chơi dân gian.
Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai tàu – là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ, không để hạ thủy mà chèo tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu 13 người gồm bà chúa tàu, 2 cái tàu và 10 con tàu. Khi biểu diễn, bà chúa tàu đánh thanh la, 2 cái tàu lĩnh xướng và các con tàu hát họa theo. Phía sau là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi tù và làm hiệu. Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của “tàu” và “tượng”, đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng Tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ.

Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí tại huyện Mường Khương là một nghi lễ đặc sắc thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa người dân với thiên nhiên và rừng. Nghi lễ cúng rừng thường tổ chức vào ngày cuối tháng 1 âm lịch hàng năm. Ngoài cầu mong mùa màng bội thu, may mắn cho dân bản, cúng rừng còn mang tính giáo dục, răn dạy mỗi người không phá rừng, tích cực bảo vệ môi trường và nguồn nước.

Từ những nguyên liệu sẵn có từ tự nhiên như: giang, nứa, cọ, mây, vầu, với đôi bàn tay khéo léo và tài hoa, đồng bào dân tộc Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên đã tạo ra các sản phẩm như gùi, nia, rổ, giỏ, mẹt, khóp đựng xôi, dụng cụ đánh bắt cá và một số đồ dùng không thể thiếu trong nghi lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ thôi nôi để phục vụ trong đời sống hàng ngày… Các sản phẩm được tạo ra từ đan lát đã phát huy giá trị không chỉ trong đời sống mà còn góp phần nâng tầm giá trị của sản phẩm trong phát triển du lịch huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.
Quảng Cáo Liên Quan