Lào Cai Online – Cùng với việc khai thác tiềm năng về du lịch văn hoá tâm linh sẵn có, thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đang tiếp tục quan tâm đầu tư, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch mới. Trong đó, phát huy thế mạnh các giá trị văn hóa trong việc xây dựng hình ảnh điểm đến và khẳng định thương hiệu theo hướng du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch xanh và bền vững.
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Thượng Yên Công là xã miền núi của TP.Uông Bí có 9 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Dao chiếm số lượng đông đảo với 58%. Thời gian gần đây, xã đã chú trọng phát triển du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hoá vùng đồng bào DTTS. Mô hình tiên phong là Tổ hợp tác cộng đồng dân tộc Dao Thanh Y đi vào hoạt động từ tháng 2/2024.
Quảng Cáo
Trong đó, mô hình du lịch cộng đồng của gia đình ông Trương Văn Dương (xóm Gốc Đa, thôn Khe Sú 2) đi vào hoạt động, giúp những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Y được thực hiện thường xuyên và phổ biến hơn. Tham gia vào mô hình, người phụ nữ Dao mặc trang phục truyền thống, giới thiệu cho du khách về nghệ thuật thêu, may tinh xảo; phục vụ du khách những món ăn truyền thống và áp dụng những tri thức của nghề thuốc người Dao để du khách trải nghiệm…
“Chúng tôi đã được chính quyền địa phương tổ chức cho đi tham quan những bản, làng của người DTTS biến văn hóa thành sản phẩm du lịch về học hỏi, đúc rút kinh nghiệm và làm với nhiều dịch vụ như ngâm chân, tắm thảo dược của đồng bào Dao Thanh Y và phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách với những món ăn làm từ nguyên liệu tại chỗ, chế biến theo cách riêng của người Dao”, ông Dương chia sẻ.
Quảng Cáo
Đặc biệt, nhà trưng bày không gian văn hóa người Dao Thanh Y, cũng là một sản phẩm du lịch mới trong tổng số 62 sản phẩm du lịch mới của toàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào khai thác, đón khách du lịch trong năm 2024. Nhà trưng bày tái hiện 5 không gian văn hóa người Dao Thanh Y: không gian trưng bày trang phục nam – nữ dân tộc Dao Thanh Y; không gian giới thiệu chung Lễ cấp sắc dân tộc Dao Thanh Y; Tái hiện mô hình nhà trình tường của người Dao Thanh Y; không gian trưng bày góc bếp người Dao Thanh Y; không gian trưng bày một số hình ảnh, hiện vật gắn liền với đời sống, sinh hoạt, văn hóa của người Dao Thanh Y…
Quảng Cáo
Bà Phạm Thị Phương Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Yên Công cho biết, năm 2024, cấp ủy và chính quyền địa phương đã triển khai kế hoạch xây dựng Làng du lịch cộng đồng tại thôn Khe Sú 2 giai đoạn 2024 – 2025.
“Cùng với phát huy vai trò của Người uy tín, già làng, trưởng bản trong bảo tồn văn hóa truyền thống, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin tới từng người dân, gia đình để người dân hiểu và chung tay khôi phục những nét văn hóa truyền thống; hướng dẫn tạo và nhân rộng các mô hình, dịch vụ phục vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…”, bà Thúy nhấn mạnh.
Cùng với đó, danh thắng Khe Song-Thác Bạc, cũng là một trong những địa điểm thu hút du khách, bởi vẻ đẹp tự nhiên của rừng và khe suối tự nhiên mát mẻ. Các hộ khai thác dịch vụ tại đây chú trọng phát triển dịch vụ gắn với văn hoá ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn.
Hiện khu vực sinh thái Khe Song-Thác Bạc đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận, là điểm du lịch cấp tỉnh, góp phần phát triển du lịch xanh ở vùng đất Uông Bí gắn với khai thác các giá trị văn hoá của địa phương.
Đi từ định hướng đúng và trúng
Được biết, tháng 12/2022, TP.Uông Bí đã phê duyệt Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch Uông Bí, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, nhiệm vụ giai đoạn 2022- 2025, là tập trung khai thác sản phẩm du lịch thế mạnh sẵn có, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới, có tính khả thi cao.
Giai đoạn năm 2022- 2024, TP. Uông Bí đã dành nguồn lực 3 tỷ đồng đầu tư cho các dự án về chuyển đổi số du lịch, như: Số hóa tài nguyên du lịch trên nền tảng số, nhận diện bộ thương hiệu du lịch Uông Bí, gắn mã QR Code tại các điểm di tích, tham quan thực tế ảo VR3600 Yên Tử…Điều này, đã góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch vừa tăng tiện nghi, theo kịp xu hướng phát triển của du lịch hiện đại.
Đồng thời, thành phố cũng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển sản phẩm du lịch với trên 6 tỷ đồng; ban hành cơ chế chính sách thông thoáng về ưu đãi vốn vay, đảm bảo an toàn vốn cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để thu hút đầu tư vào du lịch,…
Quảng Cáo
Trao đổi về nội dung này, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thành phố Uông Bí Phạm Xuân Thành nhấn mạnh: “Hiện nay, thành phố Uông Bí đang rất quan tâm tới việc phát triển du lịch cộng đồng với những sản phẩm du lịch mới; quy hoạch mở rộng diện tích quỹ đất lớn để phát triển du lịch. Thành phố cũng tiếp tục quan tâm đến việc đầu tư nguồn lực để nâng cấp các thiết chế văn hóa, hạ tầng giao thông, nhà văn hóa của các thôn, bản để gần gũi, mang hơi thở, bản sắc của đồng bào để tuyên truyền văn hóa của người Dao Thanh Y tại địa phương”.
Quảng Cáo
Quảng Cáo