Lào Cai Online – Làng nghề bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Huế) với lịch sử hơn 400 năm vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
UBND thị xã Hương Trà cho biết, nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của làng nghề bún Vân Cù, địa phương sẽ tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 19/2 tại Miếu Bà Bún, thôn Vân Cù – Nam Thanh.
Làng nghề bún Vân Cù không chỉ nổi bật bởi bề dày lịch sử hơn 400 năm mà còn bởi những phương pháp sản xuất thủ công độc đáo. Đặc biệt, đây là làng nghề duy nhất ở miền Trung vẫn duy trì lễ tế vị tổ nghề – Bà Bún – vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Điểm khác biệt lớn nhất của bún Vân Cù nằm ở quy trình sản xuất hoàn toàn không sử dụng chất phụ gia. Người dân chỉ dùng muối sống để ngâm, vo gạo, nuôi bột, giúp loại bỏ tạp chất, khử khuẩn và khử chua. Nhờ đó, sợi bún có màu trắng trong, bề mặt bóng, mềm nhưng không bở, giữ được hương vị tự nhiên của bột gạo.
Quảng Cáo
Dù không thể bảo quản lâu hơn 24 giờ trong môi trường tự nhiên, nhưng đây lại là ưu điểm giúp bún Vân Cù được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Đặc biệt, sản phẩm “bún con” – mẻ nước đầu tiên của quá trình luộc bún – được đánh giá cao nhất về độ ngon và chất lượng.

Không giống nhiều làng nghề khác, nơi việc truyền nghề thường bị hạn chế trong nội bộ gia đình, làng bún Vân Cù lại có truyền thống cởi mở, sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật làm bún cho bất kỳ ai có đam mê, dù là con trai, con gái hay người từ nơi khác đến học.
Nhờ tinh thần này, nghề làm bún Vân Cù đã lan tỏa đến nhiều tỉnh, thành như Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, sự hỗ trợ của máy móc hiện đại và nguồn nước sạch giúp nâng cao sản lượng, giảm thời gian sản xuất xuống còn 1 – 2 ngày. Tuy nhiên, để giữ vững chất lượng đặc trưng, người dân vẫn duy trì các quy trình thủ công truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tích (TP. Huế) chia sẻ: “Nếu chỉ phụ thuộc vào máy móc mà không hiểu rõ bí quyết chọn gạo, cách ngâm ủ, kiểm tra mùi gạo sau khi ngâm thì khó có thể làm ra những mẻ bún ngon nhất. Do đó, sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và phương pháp truyền thống là điều cần thiết để bảo tồn di sản của làng nghề.”

Theo bà Đặng Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Hương Toàn, hiện làng Vân Cù có hơn 100 hộ làm bún với hơn 300 lao động thường xuyên. Nếu trước đây, nghề làm bún chỉ là nghề phụ thì nay đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp nhiều hộ gia đình đạt doanh thu từ 25 – 30 triệu đồng/tháng.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, ông Đỗ Ngọc An, cho biết địa phương đang triển khai nhiều giải pháp để vừa bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, vừa phát triển sản xuất bền vững.
Các chính sách hỗ trợ bao gồm:
- Đào tạo và truyền dạy nghề bài bản để bảo tồn giá trị truyền thống.
- Hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, cải thiện điều kiện sản xuất, xử lý môi trường.
- Ưu đãi vốn vay, khuyến khích các hộ làm bún đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm.
- Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, mã QR và OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm.
Ông Đỗ Ngọc An khẳng định: “Việc phát triển du lịch gắn với làng nghề bún Vân Cù cần đảm bảo người dân địa phương là những người hưởng lợi chính và đóng vai trò quan trọng trong quản lý hoạt động du lịch.”
Sự công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ giúp làng bún Vân Cù khẳng định vị thế mà còn mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan