Lào Cai Online – Từng chỉ là loại cây mọc hoang dại trong tự nhiên, măng sặt nay đã trở thành cây trồng kinh tế mang lại nguồn thu ổn định cho hàng trăm hộ nông dân tại huyện Văn Bàn. Với hơn 500 ha măng đang vào vụ thu hoạch, cây trồng này đang mở ra hướng phát triển bền vững cho vùng cao.
Tại thôn Làng Nòm, xã Hòa Mạc, hộ gia đình bà Phùng Thị Thơm là một trong những người tiên phong đưa cây măng sặt vào trồng thử nghiệm. Chỉ từ vài chục gốc ban đầu, hiện nay diện tích măng sặt của gia đình bà đã mở rộng lên hơn 1 ha.
Bà Thơm cho biết: “Măng sặt dễ trồng, ít sâu bệnh, lại không tốn nhiều công chăm sóc. Mỗi năm, tôi thu được gần 3 tấn măng tươi, thu về gần 40 triệu đồng”.

Vào đầu vụ, giá măng sặt tươi chưa bóc vỏ dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg. Khi bước vào chính vụ, nguồn cung tăng khiến giá hạ xuống còn 15.000 đồng/kg chưa bóc và 35.000 đồng/kg đã bóc. Tuy nhiên, với sản lượng lớn, người dân vẫn có lợi nhuận đáng kể.
Quảng Cáo
“Măng ra đều, ai cũng có việc làm, thu nhập ổn định mà lại không vất vả như trồng lúa hay ngô”, bà Thơm chia sẻ thêm.
Trước hiệu quả rõ rệt, chính quyền xã Hòa Mạc đã tích cực vận động người dân chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng măng sặt. Tính đến nay, toàn xã đã có khoảng 80 ha măng đang trong thời kỳ cho thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hòa Mạc, nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng vùng trồng theo định hướng của huyện, từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo cho người dân địa phương”.
Toàn huyện Văn Bàn hiện có hơn 500 ha măng sặt, tập trung chủ yếu tại các xã vùng Tây – nơi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng lý tưởng cho loại cây này. Mỗi năm, vào mùa thu hoạch, địa phương sôi động với hoạt động thu mua và chế biến măng.
Huyện cũng đã phối hợp với chương trình GREAT 2 của tỉnh để kết nối người dân với các doanh nghiệp, giúp đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, măng sặt được các hợp tác xã và tổ hợp tác địa phương thu mua, sau đó sơ chế và cung cấp cho Công ty măng Kim Bôi, một trong những doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm nông sản chế biến.

Theo bà Lương Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Văn Bàn: “Cây măng sặt không chỉ giúp đa dạng hóa cơ cấu cây trồng mà còn trở thành sản phẩm chủ lực của huyện, đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp”.
Với đầu ra ổn định, lợi nhuận cao và phù hợp với địa hình vùng cao, măng sặt đang ngày càng khẳng định vị trí của mình trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp tại Văn Bàn. Cây trồng này hứa hẹn sẽ là đòn bẩy thúc đẩy giảm nghèo và phát triển kinh tế nông thôn trong những năm tới.
Thuỳ Như
Quảng Cáo Liên Quan