Nghệ nhân Đặng Hồng Khánh và hành trình bảo tồn chữ Nôm Dao

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Trong những năm gần đây, những Người có uy tín tại xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối cấp ủy, chính quyền với người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong số đó, ông Đặng Hồng Khánh, một nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn và truyền dạy chữ Nôm Dao, đã trở thành hình mẫu tiêu biểu trong việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống.

Sinh ra và lớn lên tại Trì Quang, xã có nền văn hóa lâu đời của người Dao Tuyển, ông Đặng Hồng Khánh thấu hiểu sâu sắc giá trị của chữ viết cổ và mong muốn truyền lại cho thế hệ trẻ. Được biết, chữ Nôm Dao đang dần bị mai một theo thời gian và sự phát triển của xã hội hiện đại. Lo lắng về sự mất mát này, ông Khánh đã quyết tâm mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho bà con trong thôn và thế hệ trẻ, với hy vọng giúp giữ gìn di sản văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Nghệ nhân Đặng Hồng Khánh đứng lớp dạy chữ Nôm - Dao cho thế hệ trẻ (ảnh báo dân tộc )
Nghệ nhân Đặng Hồng Khánh đứng lớp dạy chữ Nôm – Dao cho thế hệ trẻ (ảnh báo dân tộc )

Từ năm 2019, ông Khánh đã mở lớp dạy chữ Nôm Dao miễn phí, thu hút sự tham gia của người dân địa phương. Ban đầu, lớp học chỉ có 8 học viên, nhưng với phương pháp giảng dạy độc đáo, như “truyền khẩu” và “cầm tay chỉ từng nét chữ,” lớp học đã dần dần phát triển. Đến nay, đã có 23 học viên tham gia lớp học tại nhà ông Khánh, hầu hết là vào buổi tối và những ngày nông nhàn, khi bà con có thời gian rảnh rỗi.

Quảng Cáo

Anh Đặng Văn Thành, một trong những học viên của lớp học, chia sẻ: “Người Dao Tuyển ở thôn Tân Thượng đều ý thức được việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó chữ viết đóng vai trò rất quan trọng. Lớp học của thầy Khánh đã giúp chúng tôi không chỉ học chữ mà còn hiểu rõ hơn về các lễ nghi, phong tục của dân tộc mình.”

Ngoài việc giảng dạy chữ Nôm Dao, ông Khánh còn dành nhiều thời gian sưu tầm, sao chép và biên soạn các tài liệu chữ Nôm Dao, dịch chúng ra tiếng phổ thông để học viên dễ tiếp cận hơn. Ông cũng tặng cho học viên những cuốn sách chép tay, giúp họ có tài liệu ôn tập và lưu giữ kiến thức lâu dài. Đặc biệt, ông Khánh không chỉ truyền dạy ngôn ngữ mà còn giải thích cặn kẽ về các nghi lễ, phong tục của người Dao, như lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, lễ cầu an… Mỗi bài học không chỉ là học chữ mà còn là học về một nền văn hóa phong phú, sâu sắc.

Lớp học chữ Nôm- Dao do nghệ nhân Đặng Hồng Khánh truyền dạy (ảnh báo dân tộc )
Lớp học chữ Nôm- Dao do nghệ nhân Đặng Hồng Khánh truyền dạy (ảnh báo dân tộc )

Dù đã bước sang tuổi 70, ông Đặng Hồng Khánh vẫn kiên trì với công việc bảo tồn chữ Nôm Dao. Ông chia sẻ: “Với tôi, việc dạy chữ Nôm Dao không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm đam mê. Tôi mong rằng lớp trẻ sẽ biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao và hiểu về văn hóa của dân tộc mình để tiếp tục gìn giữ và truyền lại cho thế hệ sau.”

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, ông Đặng Hồng Khánh đã góp phần quan trọng trong việc hồi sinh chữ Nôm Dao trong cộng đồng người Dao Tuyển tại Trì Quang. Ông Nguyễn Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Trì Quang, đánh giá cao đóng góp của ông Khánh: “Ông Đặng Hồng Khánh không chỉ là một thầy giáo dạy chữ Nôm Dao mà còn là một Người có uy tín trong cộng đồng. Những đóng góp của ông trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Dao là vô cùng quan trọng.”

Một buổi học chữ nôm Dao miễn phí do ông Đặng Hồng Khánh truyền dạy (ảnh báo dân tộc)
Một buổi học chữ nôm Dao miễn phí do ông Đặng Hồng Khánh truyền dạy (ảnh báo dân tộc)

Với sự tâm huyết và cống hiến của nghệ nhân Đặng Hồng Khánh, hy vọng rằng chữ Nôm Dao sẽ tiếp tục được giữ gìn và phát huy trong cộng đồng người Dao Tuyển tại xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Đây không chỉ là nỗ lực bảo vệ một hệ thống chữ viết cổ mà còn là cách để duy trì một phần quan trọng trong di sản văn hóa của dân tộc Dao, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.

Thuỳ Như

Quảng Cáo Liên Quan