Lào Cai Online – Thị xã Sa Pa tích cực hợp tác với các chuyên gia quốc tế nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất – một trong những thách thức lớn của địa phương vùng cao.
Ngày 8/4, ông Tô Ngọc Liễn – Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa – đã chủ trì buổi làm việc với đoàn chuyên gia, nhà khoa học đến từ Cộng hòa Áo. Cuộc gặp gỡ tập trung thảo luận các giải pháp công nghệ và kinh nghiệm quốc tế trong việc ngăn ngừa, ứng phó sạt lở đất – vấn đề nghiêm trọng đang diễn ra tại Sa Pa trong những năm gần đây.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Sa Pa đang phải đối mặt với nhiều hiện tượng thiên tai nguy hiểm như lũ quét và sạt lở đất, xảy ra thường xuyên trong hơn một thập kỷ qua. Những sự kiện này không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người mà còn ảnh hưởng nặng nề tới tài sản và hạ tầng.
Cụ thể, năm 2013, xã Bản Khoang (nay thuộc xã Ngũ Chỉ Sơn) đã chứng kiến trận lũ quét lịch sử tại thôn Can Hồ A, khiến 14 người tử vong và mất tích, 11 người bị thương. Gần đây nhất, vào năm 2023, xã Liên Minh lại xảy ra lũ quét khiến 7 người thiệt mạng, 7 người bị thương, phá hủy hàng trăm hồ nuôi cá nước lạnh, gây thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng.
Quảng Cáo
Đặc biệt, trong năm 2024, ảnh hưởng của bão Yagi đã tạo ra hơn 720 điểm sạt lở đất trên toàn địa bàn, làm gián đoạn hơn 1.120 tuyến giao thông. Mưa bão cũng khiến 9 người chết, 17 người bị thương, hàng nghìn hộ dân buộc phải sơ tán khẩn cấp.
Trước tình hình đó, chính quyền thị xã Sa Pa đã tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế rủi ro thiên tai. Trong đó, việc phối hợp với giới chuyên gia trong và ngoài nước đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong quá trình đo đạc, đánh giá địa chất để xây dựng các khu tái định cư an toàn, hạn chế tối đa nguy cơ sạt lở.
Tại buổi làm việc, các nhà khoa học đến từ Áo đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc giám sát và cảnh báo sạt trượt đất tại châu Âu. Một số giải pháp tiêu biểu được đề xuất như: lắp đặt hệ thống quan trắc tự động có khả năng phát hiện chuyển động bất thường của đất đá; sử dụng bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai theo cấp độ; hoặc áp dụng cảnh báo dân gian đơn giản trong mùa mưa – như quan sát độ đục bất thường của dòng suối để phát hiện dấu hiệu lũ quét.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc áp dụng công nghệ giám sát tiên tiến kết hợp với phương pháp cảnh báo truyền thống có thể giúp nâng cao khả năng ứng phó nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng.
Không chỉ tập trung vào yếu tố thiên nhiên, đoàn chuyên gia quốc tế cũng khuyến nghị thị xã Sa Pa cần đặc biệt quan tâm tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Các hoạt động xây dựng, khai thác du lịch nếu không được quản lý tốt có thể làm gia tăng nguy cơ sạt lở, suy giảm hệ sinh thái, từ đó khiến tình trạng thiên tai thêm trầm trọng.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND thị xã Tô Ngọc Liễn khẳng định mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ chuyên môn từ các nhà khoa học Áo, đặc biệt trong việc khảo sát và lập bản đồ cảnh báo nguy cơ thiên tai. Việc sử dụng thiết bị địa vật lý hiện đại sẽ giúp đánh giá chính xác các điểm có khả năng sạt lở, từ đó xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và quy hoạch dân cư an toàn.
Bên cạnh đó, thị xã Sa Pa cũng đặt mục tiêu xây dựng bản đồ ngập úng và sạt trượt đất một cách chi tiết, phục vụ công tác phòng chống thiên tai lâu dài và hiệu quả hơn.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan