Tín dụng chính sách – Đòn bẩy giúp đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái thoát nghèo bền vững

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Yên Bái là tỉnh miền núi phía Bắc với hơn một nửa dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Nhằm giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, tỉnh Yên Bái đã tập trung khai thác hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội – được xem là “cú hích” quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

Trong nhiều năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nguồn vốn tín dụng chính sách đã trở thành lực đẩy quan trọng giúp thay đổi diện mạo các vùng cao. Những câu chuyện vươn lên từ đói nghèo nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các xã, bản.

Tại huyện Mù Cang Chải – địa phương từng thuộc nhóm nghèo nhất cả nước, nhiều hộ dân đã có thể thoát nghèo nhờ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Mùa Chu Vàng ở xã Kim Nọi chia sẻ: “Gia đình tôi từng rất khó khăn, chỉ biết làm nương theo lối truyền thống. Nhờ khoản vay từ chương trình tín dụng hộ nghèo, giờ tôi đã có trâu bò, chè xanh tốt trên đồi và cuộc sống ổn định hơn.”

Quảng Cáo

Tương tự, bà Vi Thị Thúy ở huyện Lục Yên đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi, trồng rừng và sản xuất nông nghiệp. Nhờ sử dụng vốn hiệu quả, gia đình bà đã thoát nghèo từ năm 2022 và có nguồn thu nhập ổn định.

Không chỉ ở Mù Cang Chải hay Lục Yên, các huyện vùng cao khác như Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình… cũng đang từng bước thay da đổi thịt nhờ nguồn vốn ưu đãi.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giao dịch vay vốn tại Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái)
Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số giao dịch vay vốn tại Điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái)

Theo ông Trần Xuân Thủy – Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Yên Bái, Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã tạo ra bước ngoặt trong công tác tín dụng chính sách, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước với người dân vùng khó khăn.

Nhờ triển khai hiệu quả, vốn tín dụng chính sách đã đến đúng người, đúng đối tượng. Từ năm 2019 đến nay, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái đạt hơn 5.650 tỷ đồng, tăng gần 2.600 tỷ đồng – tương đương mức tăng 84%.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đều qua từng năm, bình quân 4,13%/năm. Đặc biệt, tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, tỷ lệ giảm nghèo lần lượt đạt 6,89% và 9,46%/năm – vượt xa chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 5,68%, hộ cận nghèo còn 2,99%. Ngoài ra, 28/59 xã đặc biệt khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để tín dụng chính sách thực sự trở thành điểm tựa cho người dân, tỉnh Yên Bái đã chủ động tăng cường nguồn vốn từ ngân sách địa phương, kết hợp huy động vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân và tổ vay vốn tại cơ sở.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã đạt hơn 160 tỷ đồng, tăng mạnh so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng yếu thế.

Bên cạnh việc tăng nguồn lực, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái cũng chú trọng mở rộng mạng lưới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Hệ thống giao dịch xã và hơn 2.300 tổ tiết kiệm – vay vốn đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, rút ngắn thời gian xử lý và đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái đã mạnh dạn vay vốn chính sách để mở rộng gia trại, phát triển chăn nuôi để từ đó thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái )
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái đã mạnh dạn vay vốn chính sách để mở rộng gia trại, phát triển chăn nuôi để từ đó thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống (ảnh CTTĐT tỉnh Yên Bái )

Theo ông Đinh Khắc Yên – Bí thư Huyện ủy Lục Yên, chính sách tín dụng xã hội đã và đang trở thành kim chỉ nam cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân vùng cao. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, ngân hàng và người dân đã tạo ra sức mạnh tổng thể, giúp Yên Bái vượt qua thách thức để vươn lên phát triển toàn diện.

Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội gắn với tín dụng chính sách, giúp đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng vùng cao phát triển bền vững.

Quảng Cáo Liên Quan