Lào Cai Online – Hai tiếng thiêng liêng gắn liền với lòng tự hào dân tộc, với những trang sử vàng chói lọi và sự hy sinh của biết bao thế hệ – lại vừa bị kéo lê qua một bản rap đầy thù hận. Không còn là nghệ thuật chân chính, đó là sự phản văn hóa, một hành vi phỉ báng lên giá trị cốt lõi của dân tộc.
Tổ quốc – hình tượng bất khả xâm phạm trong thơ ca
Từ bao đời nay, Tổ quốc luôn là nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Đó là những vần thơ tràn đầy tự hào của Chế Lan Viên:
“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng…”
Là hình ảnh thiêng liêng trong những câu thơ Nguyễn Sĩ Đại:
Quảng Cáo
“Tổ quốc là biên trấn áo mong manh
Tây rồi Bắc đổi mùa ràn rạt gió…”
Hay là những dòng đầy xúc động của Thanh Thảo, khắc họa tinh thần bất khuất của người lính:
“Phút người lính đứng bật lên cắm chặt chân vào đất
Phút ấy, đất dưới chân anh là Tổ quốc…”
Thơ ca viết về Tổ quốc luôn chan chứa lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Ấy thế mà, giờ đây, hai tiếng thiêng liêng ấy lại bị biến thành công cụ trong một bài rap mang đầy sự hằn học, biến chất.

Âm nhạc hay công cụ xúc phạm?
Câu rap “Tên anh gây hại cho Tổ quốc và nước nhà” trong bài “Sự nghiệp chướng” không đơn thuần là lời lẽ công kích cá nhân mà thực chất là một sự xúc phạm đến hình tượng Tổ quốc.
Khi nghệ thuật bị lợi dụng để trả đũa tình cảm cá nhân, khi ca từ biến thành phương tiện giễu nhại biểu tượng quốc gia, đó không còn là sáng tạo mà đã trở thành hành động phản cảm. Những sản phẩm như vậy gieo vào tâm trí giới trẻ một thông điệp lệch lạc: rằng Tổ quốc có thể bị đem ra để chế giễu, để lồng ghép vào những lời lẽ cay nghiệt.
Tổ quốc không thể là một đạo cụ trong những bản nhạc vô nghĩa. Tổ quốc là nơi những người lính hải quân ngày đêm bảo vệ chủ quyền giữa trùng khơi. Là sự hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ cứu hỏa, những bác sĩ tuyến đầu, những người lao động ngày đêm vì quê hương. Là niềm tự hào mỗi khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa các đấu trường quốc tế.
Vậy mà, chỉ vì một bài rap đầy thù hận, hình ảnh thiêng liêng ấy lại bị đem ra bôi nhọ.
Nghệ thuật có ranh giới – Đạo đức và Pháp luật
Không phải lần đầu tiên, những sản phẩm âm nhạc bị chỉ trích vì đi quá giới hạn. MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng M-TP từng bị gỡ bỏ vì nội dung tiêu cực, khuyến khích hành vi nguy hiểm. Ca khúc “Thích Ca Mâu Chí” bị lên án vì xúc phạm tín ngưỡng. MV “Censored” của Chị Cả gây bức xúc vì ca từ phản cảm. Những trường hợp này cho thấy, sáng tạo nghệ thuật không đồng nghĩa với việc có thể tùy tiện xúc phạm các giá trị xã hội.
Theo Luật Nghệ thuật biểu diễn 2020, nghệ sĩ không được phép phát tán nội dung gây tổn hại đến danh dự dân tộc. Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm việc phát tán thông tin xâm phạm biểu tượng quốc gia. Những sản phẩm như bài rap “Sự nghiệp chướng” không chỉ vi phạm đạo đức mà còn có thể đối mặt với chế tài pháp luật.
Cần hành động quyết liệt
Cơ quan chức năng không thể đứng ngoài cuộc trước sự lan truyền của những nội dung độc hại này. Bài rap “Sự nghiệp chướng” cần được rà soát, xử lý và gỡ bỏ. Đồng thời, các nền tảng số như YouTube, TikTok, Facebook cũng phải có trách nhiệm kiểm soát nội dung, tránh tiếp tay cho sự lan truyền của những sản phẩm phản cảm.
Quan trọng hơn, mỗi người dùng mạng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, cần có trách nhiệm trong việc tiếp nhận thông tin. Không phải mọi thứ gắn mác “nghệ thuật” đều đáng để tán dương.
Tổ quốc không phải là công cụ để chế giễu hay giày xéo trong những bản nhạc đầy sân si. Tổ quốc là niềm tự hào, là máu thịt, là linh hồn của dân tộc. Và chỉ những ai thực sự hiểu được điều đó, mới xứng đáng cất tiếng nói về hai tiếng thiêng liêng này.
Thanh Chúc
Quảng Cáo Liên Quan