Trà Bồng: Người giữ hồn văn hóa Co giữa đại ngàn

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Trà Bồng (Quảng Ngãi) – Nơi đại ngàn hùng vĩ bao bọc những bản làng yên bình, có một người đàn ông đã dành cả đời mình để bảo tồn và lan tỏa tinh hoa văn hóa của dân tộc Co. Đó là nghệ nhân Hồ Văn Nam, người vẫn đang miệt mài “giữ lửa” văn hóa giữa lòng Trà Dòn – một ngôi làng mang đậm dấu ấn lịch sử và truyền thống.

Nghệ nhân Hồ Văn Nam biểu diễn chiêng Co. (Ảnh Báo Dân Tộc)
Nghệ nhân Hồ Văn Nam biểu diễn chiêng Co. (Ảnh Báo Dân Tộc)

Nằm giữa xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, làng Trà Dòn không chỉ là cái nôi của nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, mà còn là nơi gắn bó sâu sắc với di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1969, khi nghe tin Bác Hồ qua đời, toàn bộ người Co trong làng đã tự nguyện mang họ Hồ để tưởng nhớ công ơn của vị lãnh tụ. Tinh thần ấy đã được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một lời nhắc nhở sống đẹp, sống có lý tưởng.

Một trong những người tiêu biểu tiếp nối truyền thống đó chính là nghệ nhân Hồ Văn Nam – người con của già làng Hồ Văn Thuận. Từ nhỏ, anh đã thấm đẫm tình yêu với văn hóa dân tộc, nhất là qua những dịp lễ hội truyền thống như Tết Ngã Rạ, lễ ăn trâu… nơi mà chiêng, kèn, cây nêu và những nét chạm khắc mộc mạc trở thành bản giao hưởng giữa con người và núi rừng.

Nghệ nhân Hồ Văn Nam trong Lễ cúng ăn trâu. (Ảnh Báo Dân Tộc)
Nghệ nhân Hồ Văn Nam trong Lễ cúng ăn trâu. (Ảnh Báo Dân Tộc)

Lên 12 tuổi, Nam đã biết cảm thụ âm thanh của cồng chiêng, mê đắm đường nét của cây nêu và say sưa theo dõi bàn tay khéo léo của cha đan lát, khắc họa. Từng bước theo học, ghi nhớ từng chi tiết, đến tuổi 20, anh đã nắm vững kỹ thuật chế tác cây nêu và nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng cổ truyền.

Quảng Cáo

Không dừng lại ở việc học hỏi, đến tuổi 30, anh đã cùng cha mở lớp truyền dạy cho thế hệ trẻ trong làng. Vào mỗi dịp lễ lớn, Hồ Văn Nam lại tất bật chuẩn bị Gupla, dựng cây nêu, đánh chiêng, thể hiện các nghi thức cổ xưa một cách thuần thục. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tâm huyết của người giữ gìn bản sắc.

Anh thường căn dặn lớp trẻ trong làng: “Đã mang họ Bác thì phải sống xứng đáng với lời Bác dạy. Văn hóa là linh hồn của dân tộc, mình phải gìn giữ từng ngày, không được quên.”

Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) chuẩn bị dựng cây nêu. (Ảnh Báo Dân Tộc)
Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) chuẩn bị dựng cây nêu. (Ảnh Báo Dân Tộc)

Với mong muốn làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc mình, Hồ Văn Nam không ngừng tìm hiểu kinh nghiệm từ các dân tộc khác. Anh thường xuyên đọc báo, nghe đài, học hỏi cách gìn giữ bản sắc ở vùng cao phía Bắc hay Tây Nguyên, từ đó áp dụng linh hoạt vào các hoạt động tại quê nhà.

Đặc biệt, trong nghệ thuật đánh chiêng – linh hồn của người Co, anh luôn nhấn mạnh yếu tố rèn luyện: “Chiêng không phải chỉ cần biết đánh. Phải luyện mới ra tiếng hay, tiếng tròn, tiếng vang xa. Phải đổ mồ hôi nhiều mới giữ được bản sắc.”

Nhờ sự dìu dắt tận tụy của nghệ nhân Hồ Văn Nam, đến nay Trà Dòn đã có một đội chiêng trẻ đầy triển vọng. Không chỉ thể hiện đúng nhịp điệu cổ truyền, đội chiêng còn mang đến sức sống mới cho những lễ hội vùng cao, góp phần đưa hình ảnh người Co lan tỏa rộng rãi. Đội đã đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, và vinh dự được mời biểu diễn tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Hà Nội – nơi hội tụ tinh hoa văn hóa cả nước.

Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) đang học tập Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An, cách làm cây nêu. (Ảnh Báo Dân Tộc)
Nghệ nhân Hồ Văn Nam (người bên phải) đang học tập Nghệ nhân Nhân dân Hồ Ngọc An, cách làm cây nêu. (Ảnh Báo Dân Tộc)

Với những đóng góp bền bỉ trong suốt nhiều thập kỷ, tháng 2/2025, Hồ Văn Nam đã được đề cử xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Đó không chỉ là sự ghi nhận cho riêng anh, mà còn là niềm tự hào chung của cộng đồng người Co tại Trà Bồng – nơi mà bản sắc văn hóa vẫn cháy mãi giữa đại ngàn.

Ở tuổi 60, Hồ Văn Nam vẫn ngày ngày gắn bó với cây nêu, tiếng chiêng, vẫn kiên trì truyền dạy cho lớp trẻ cách yêu văn hóa của chính dân tộc mình. Anh là biểu tượng sống động của một thế hệ gìn giữ hồn cốt vùng cao – người âm thầm nhưng kiên định “giữ lửa” cho văn hóa Co trường tồn.

Thanh Huế

Quảng Cáo Liên Quan