Tri thức dẫn lối cho mùa Xuân nở hoa của cô trò Làng Nủ

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Mùa Xuân không chỉ đến từ sắc hoa tươi thắm mà còn từ những nỗ lực không ngừng nghỉ, từ ánh sáng tri thức và tình yêu thương. Những đứa trẻ ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, qua từng bước học tập, sẽ là những mầm non tươi tốt, góp phần tạo nên một mùa Xuân tràn đầy hy vọng, bền vững và thịnh vượng cho tương lai.

Mỗi sáng sớm khi ánh bình minh ló dạng, những tiếng đọc bài trong trẻo của học sinh vang lên cùng giọng giảng ấm áp của thầy cô giáo, xuyên qua sương mù và mây núi bao phủ bản làng. Tại điểm trường mới của Làng Nủ, những âm thanh ấy mang theo niềm tin và hy vọng, đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ sau những mất mát, khổ đau từ cơn bão.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, một điểm trường mới khang trang đã được xây dựng tại khu tái định cư, bao gồm Trường Mầm non Phúc Khánh số 1 và Trường Tiểu học – THCS Phúc Khánh số 1. Đây không chỉ là nơi truyền đạt tri thức mà còn là biểu tượng của sự vươn lên và niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Những đứa trẻ Làng Nủ trong lớp học mới (Ảnh Báo Lào Cai)
Những đứa trẻ Làng Nủ trong lớp học mới (Ảnh Báo Lào Cai)

Kể từ khi trở lại lớp học, thầy cô và học sinh ở Làng Nủ đều mang theo một nguồn năng lượng mới. Cô Chiêu Thị Rinh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1C, xúc động chia sẻ: “Khi cô trò bước vào lớp học mới, cảm giác thật khó tả. Các con có phòng học khang trang, đầy đủ bàn ghế và thiết bị học tập. Các con rất hào hứng và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.”

Quảng Cáo

Từng con chữ được gieo xuống trong những lớp học ấy chính là bước đầu tiên của hành trình gieo mầm tri thức, mở ra cánh cửa của một mùa Xuân vươn lên bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, niềm vui ấy không thể xóa nhòa hết những nỗi đau. Thầy Bàn Thanh Quý, giáo viên chủ nhiệm lớp 2C, chia sẻ: “Lớp tôi đầu năm có 16 học sinh, nhưng cơn bão đã cướp đi 3 em. Dù vậy, tôi và các em sẽ cùng nhau cố gắng, giúp các em vượt qua khó khăn và tiếp tục học tập.”

Tiếng đọc bài trong trẻo, tiếng cười giòn tan của những đứa trẻ nơi đây minh chứng cho sức mạnh bền bỉ của người dân Làng Nủ, những người không chỉ gượng dậy sau cơn bão mà còn vươn lên mạnh mẽ, xanh tốt hơn bao giờ hết.

Từng con chữ được gieo xuống là bước đầu tiên của hành trình gieo mầm tri thức (Ảnh Báo Lào Cai)
Từng con chữ được gieo xuống là bước đầu tiên của hành trình gieo mầm tri thức (Ảnh Báo Lào Cai)

Tại điểm trường mầm non, niềm vui lại ngập tràn khi cô trò tổ chức một buổi ngoại khóa gói bánh chưng gù, một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày. Đây không chỉ là hoạt động trải nghiệm mà còn là dịp để gắn kết gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Các thầy cô không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là những người truyền ngọn lửa hy vọng, dạy các em cách vượt qua khó khăn để xây dựng tương lai. Cùng với sự tham gia của các bậc phụ huynh, những chiếc bánh chưng được gói với tình yêu thương, cũng như lời giải thích về ý nghĩa phong tục này.

Bà Hoàng Thị Thắng, một phụ huynh, chia sẻ: “Các cháu rất hào hứng, tò mò hỏi bánh này để làm gì. Tôi giải thích rằng đây là phong tục của người Tày, thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và ước nguyện năm mới bình an.”

Cô Mai Hồng Nhung, giáo viên mầm non, xúc động chia sẻ: “Lớp tôi có 28 cháu, nhưng sau cơn bão, chúng tôi đã mất đi 5 em. Tuy nhiên, được trở lại điểm trường mới khang trang là niềm an ủi lớn. Chúng tôi tổ chức gói bánh chưng để tạo không khí Tết, mong các con quên đi mất mát và đón một mùa Xuân tràn đầy niềm vui.”

Các thầy, cô giáo ở Làng Nủ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là những người truyền ngọn lửa hy vọng (Ảnh Báo Lào Cai)
Các thầy, cô giáo ở Làng Nủ không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là những người truyền ngọn lửa hy vọng (Ảnh Báo Lào Cai)

Những chiếc bánh chưng gù được gói trọn tình yêu thương, là minh chứng cho sự gắn kết giữa cô trò, gia đình và cộng đồng – những người đã cùng nhau vượt qua gian khó để xây dựng lại cuộc sống. Mỗi chiếc bánh chưng không chỉ mang hương vị Tết cổ truyền mà còn thấm đẫm tình đoàn kết và niềm hy vọng cho một mùa Xuân mới.

Lớp học ở Làng Nủ không chỉ là nơi gieo mầm tri thức mà còn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ. Những đôi mắt trẻ thơ ngước lên bảng không chỉ tìm thấy bài học hôm nay mà còn là cả một tương lai rực sáng. Những học sinh nơi đây sẽ lớn lên, mang theo tri thức và khát vọng mạnh mẽ, được chắp cánh từ chính ngôi làng nhỏ bé này. Đỉnh núi Sim sẽ không chỉ nổi tiếng vì vẻ đẹp hoang sơ mà còn vì ý chí kiên cường của những con người Làng Nủ, nơi mà niềm tin và tri thức có thể giúp xây dựng lại tất cả từ những đổ nát.

Thùy Như

Quảng Cáo Liên Quan