Cần cơ chế đãi ngộ xứng đáng để nghệ nhân dân tộc thiểu số gìn giữ di sản

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Trong bức tranh văn hóa đa dạng của Việt Nam, đội ngũ nghệ nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và lan tỏa các giá trị truyền thống. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, chính sách hỗ trợ dành cho lực lượng này vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với những đóng góp to lớn của họ đối với cộng đồng.

Nghệ nhân – “báu vật sống” giữa đại ngàn

Tại xã Măng Cành, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum), nghệ nhân A Lễ – người con dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm – đã được vinh danh là Nghệ nhân Ưu tú từ năm 2019 trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Vốn tinh thông kỹ thuật biểu diễn cồng chiêng, thổi tà vẩu và đan lát, ông A Lễ là một trong những người hiếm hoi còn lưu giữ âm thanh độc đáo của sáo tà vẩu hòa cùng nhịp chiêng vang vọng núi rừng Tây Nguyên. Thế nhưng, sau khi nhận một khoản thưởng khi nhận danh hiệu, đến nay ông không còn nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào thêm.

Tuổi cao sức yếu, nhưng nghệ nhân A Lễ vẫn miệt mài truyền dạy cách đánh chiêng, đan lát cho lớp trẻ trong làng. Những công việc ấy mang về cho ông thu nhập khiêm tốn, hoàn toàn không đủ để trang trải cuộc sống tuổi già.

Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với già làng A Jring Đeng, dân tộc Ba Na (nhóm Jơ Lơng) ở làng Kon Brăp Ju, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy. Được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2018, ông A Jring vẫn kiên trì dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên trong làng dưới mái nhà rông – nơi lưu giữ linh hồn văn hóa cộng đồng – mà không đòi hỏi thù lao.

Quảng Cáo

Ở Đắk Lắk, cụ Ama H’Loan, nghệ nhân người Ê Đê gần bước sang tuổi 90, vẫn ngày ngày chế tác các nhạc cụ truyền thống như Đǐng buôt, Đǐng năm, Đǐng tăk ta. Là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn làm được các loại nhạc cụ cổ truyền, cụ Ama H’Loan từng được phong danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2019, không chỉ giỏi chế tác mà còn hiểu biết sâu rộng về sử thi, âm nhạc truyền thống và chỉnh âm cồng chiêng. Dù vậy, những đóng góp ấy hiện chỉ được ghi nhận bằng những đêm biểu diễn giao lưu phục vụ khách du lịch – với thù lao vô cùng ít ỏi.

Nghệ nhân Ưu tú A Lễ (bản Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) ở lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. (Ảnh: NGỌC LIÊN) Ảnh Báo Dân Tộc
Nghệ nhân Ưu tú A Lễ (bản Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) ở lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. (Ảnh: NGỌC LIÊN) Ảnh Báo Dân Tộc

Thiếu cơ chế dài hạn – nghệ nhân lo mai một

Việc gìn giữ văn hóa dân tộc thiểu số tại các vùng sâu vùng xa đang đối mặt với không ít khó khăn, từ thiếu nguồn lực đến việc thiếu người tiếp nối. Ở nhiều địa phương, lớp học truyền dạy chỉ được tổ chức theo hình thức ngắn hạn, kéo dài khoảng hai tuần và chỉ cung cấp kiến thức cơ bản. Thiếu cơ chế hỗ trợ lâu dài khiến quá trình bảo tồn văn hóa bị đứt gãy và phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự tình nguyện, tự nguyện của các nghệ nhân.

Không ít nghệ nhân dù được phong tặng danh hiệu cao quý vẫn sống trong cảnh đạm bạc. Họ phải tự mình sưu tầm, gìn giữ, truyền dạy mà không có nguồn tài chính ổn định. Dù vậy, bằng tình yêu với di sản cha ông, họ vẫn lặng thầm làm công việc “giữ hồn” văn hóa trong nhiều năm liền.

Nhiều nghệ nhân còn là người có uy tín trong cộng đồng, được xem như “cây đại thụ”, là cầu nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa thế hệ ông cha và lớp trẻ hôm nay.

Tín hiệu tích cực từ chính sách mới

Theo ông Lại Đức Đại – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk – thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các chương trình truyền dạy sử thi, với sự tham gia trực tiếp của các nghệ nhân giữ vai trò giảng dạy. Quan trọng hơn, những nghệ nhân tham gia sẽ được hưởng mức lương và các chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, giúp họ yên tâm theo đuổi công việc truyền bá di sản.

Cùng với đó, sau khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) chính thức được thông qua vào cuối năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chính sách dành cho nghệ nhân – chủ thể giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể. Nội dung dự thảo nêu rõ mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng đối với các nghệ nhân Nhân dân và nghệ nhân Ưu tú; đồng thời, họ cũng sẽ được hỗ trợ toàn bộ kinh phí đóng bảo hiểm y tế – một bước tiến quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh và ghi nhận đúng mức cho những người đang gìn giữ kho tàng văn hóa dân tộc.

Cần thêm những “bệ đỡ” thiết thực

Trong bối cảnh số lượng nghệ nhân ngày càng ít đi vì tuổi cao và thiếu người kế thừa, việc ban hành các chính sách đãi ngộ cụ thể, lâu dài không chỉ mang ý nghĩa hỗ trợ vật chất mà còn là sự ghi nhận, tôn vinh xứng đáng với vai trò của họ trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa dân tộc.

Đội ngũ nghệ nhân không chỉ là người giữ hồn dân tộc, mà còn là tấm gương sáng truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Những tiếng chiêng, lời sử thi, những nhạc cụ cổ truyền sẽ không thể tiếp tục ngân vang nếu thiếu đi sự tiếp sức kịp thời từ chính sách và xã hội.

Thanh Chúc 

Quảng Cáo Liên Quan