Lào Cai Online – Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, dài hơn 461 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 203.000 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt bắt đầu từ cửa khẩu Lào Cai, kết nối với mạng lưới đường sắt Trung Quốc, kết thúc tại ga Cái Lân (Hạ Long, Quảng Ninh). Theo đề xuất của liên danh tư vấn TRICC – TEDI, toàn tuyến có chiều dài hơn 461 km, đi qua nhiều tỉnh thành gồm Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Trên địa bàn Hải Phòng, tuyến chính dài gần 84 km, trong đó có nhiều nhánh rẽ xuống các cảng biển trọng điểm. Tuyến kết nối cảng Lạch Huyện dài khoảng 49 km; nhánh đến cảng Nam Đồ Sơn dài 12,7 km; cảng Đình Vũ 7,45 km. Ngoài ra, đoạn ven biển nối Quảng Ninh cũng được quy hoạch thêm gần 15 km.
Khu vực Quảng Ninh có 35,5 km đường sắt, phần lớn sẽ được xây mới. Riêng hơn 10 km tuyến cũ tiếp tục được khai thác để kết nối hệ thống vận tải vùng.
Quảng Cáo
Toàn tuyến dự kiến bố trí 38 ga, trong đó có 5 ga lập tàu gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Ga Lào Cai có chức năng liên vận quốc tế, trong khi ga Hạ Long phục vụ hành khách và ga Cái Lân chuyên dùng cho hàng hóa.
Ngoài ra, còn có 16 ga trung gian, 6 ga hàng và 11 ga kỹ thuật phục vụ tác nghiệp dọc tuyến. Các điểm dừng được bố trí tại các khu vực đô thị, trung tâm logistics và đầu mối vận tải lớn nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Tổng vốn đầu tư toàn tuyến ước tính hơn 203.000 tỷ đồng, trong đó phân đoạn Hải Phòng – Quảng Ninh dự kiến cần hơn 38.000 tỷ. Dự án chia thành ba giai đoạn, khởi động từ năm 2021 – 2025 với kinh phí 128 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn. Giai đoạn 2026 – 2030 cần hơn 177.000 tỷ đồng, giai đoạn 2031 – 2035 khoảng 26.000 tỷ.
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết việc lấy ý kiến góp ý từ các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp là bước quan trọng để hoàn thiện quy hoạch, đảm bảo khả thi khi triển khai. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh kỳ vọng sẽ đóng vai trò trục vận tải chiến lược của vùng kinh tế phía Bắc, góp phần giảm áp lực cho đường bộ, đồng thời tăng khả năng kết nối với Trung Quốc và các cảng biển lớn.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan