Lào Cai Online – Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đi qua địa phận tỉnh Lào Cai với chiều dài khoảng 65 km, tổng mức đầu tư hơn 203.000 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 35.700 tỷ đồng.
Chiều 11/4, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức họp báo công bố thông tin chính thức về Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài chủ trì buổi họp.

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND, MTTQ tỉnh, các sở, ban ngành cùng đại diện Ban Quản lý Dự án đường sắt, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các cơ quan báo chí địa phương.
Dự án trọng điểm quốc gia, đoạn qua Lào Cai dài 65 km
Tuyến đường sắt mới có tổng mức đầu tư 203.231 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư chiếm 35.751 tỷ đồng. Đoạn đi qua địa phận tỉnh Lào Cai dài khoảng 65 km, qua các địa phương: thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn.
Quảng Cáo

Trên toàn tuyến dự kiến có 18 nhà ga (gồm 3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp) và 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Riêng Lào Cai sẽ có 2 ga và 2 trạm kỹ thuật.
Đơn vị tư vấn đã trình bày chi tiết về quy hoạch hướng tuyến, vị trí các ga, ranh giới giải phóng mặt bằng cũng như phương án di dời, tái định cư cho các hộ dân và cơ sở sản xuất trong khu vực ảnh hưởng.
Gần 950 hộ dân và 91 cơ sở sản xuất bị ảnh hưởng
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có khoảng 950 hộ dân cần tái định cư. Cụ thể:
-
TP Lào Cai: 372 hộ
-
Huyện Bảo Thắng: 293 hộ
-
Huyện Bảo Yên: 80 hộ
-
Huyện Văn Bàn: 205 hộ
Về cơ sở sản xuất, tổng cộng có 91 dự án cần di dời, trong đó 41 dự án tại KCN Đông Phố Mới, 50 dự án tại các cụm công nghiệp Đông Phố Mới và Sơn Mãn – Vạn Hòa.

Các phương án bố trí tái định cư được địa phương lập quy hoạch chi tiết, phân theo khu vực và ngành nghề sản xuất để đảm bảo phù hợp với điều kiện sinh hoạt, làm việc của người dân và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp mong sắp xếp linh hoạt
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Huy Long – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh – cho biết các doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương di dời, song mong muốn được bố trí khu vực phù hợp với đặc thù sản xuất và điều kiện tuyển dụng lao động.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài khẳng định tỉnh Lào Cai sẽ có chính sách hỗ trợ cụ thể, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và người dân, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh thủ tục hành chính theo phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển”.
Báo chí đặt nhiều câu hỏi về bồi thường, tái định cư
Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt nhiều câu hỏi xoay quanh công tác giải phóng mặt bằng, phương án hỗ trợ tái định cư, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dự án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Hài cho biết: “Việc tái định cư sẽ được thực hiện công khai, minh bạch, có sự bàn bạc với người dân. Đối với hộ dân tộc thiểu số, tỉnh sẽ áp dụng cơ chế linh hoạt, ưu tiên bố trí đất tái định cư xen ghép, đảm bảo đời sống người dân sau di dời”.
Cơ hội phát triển hạ tầng và kết nối vùng
Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho tỉnh Lào Cai và các tỉnh thành tuyến đường đi qua, đặc biệt trong kết nối hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, logistics và xuất nhập khẩu.
Giai đoạn 1 của dự án có hai nhà ga tại Bảo Thắng và thành phố Lào Cai – đều nằm gần tuyến cao tốc và khu công nghiệp, thuận tiện cho vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Phát biểu kết thúc buổi họp, ông Nguyễn Trọng Hài bày tỏ mong muốn báo chí, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đồng hành cùng tỉnh để lan tỏa thông tin về dự án, góp phần tạo đồng thuận xã hội, giúp dự án triển khai đúng tiến độ và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Du Kỷ
Quảng Cáo Liên Quan