Lào Cai Online – Sở hữu tới 56 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 3 di sản văn hóa đại diện nhân loại, tỉnh Lào Cai đang khẳng định vị thế là một trong những “thủ phủ văn hóa” của Việt Nam. Những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ được gìn giữ mà còn đang được khai thác hiệu quả để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, hướng tới biến di sản thành tài sản, phục vụ sinh kế lâu dài cho người dân.
Tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), nơi sinh sống của cộng đồng người Tày, văn hóa ẩm thực và nghề thủ công truyền thống đang trở thành điểm nhấn trong hành trình du lịch trải nghiệm. Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa “Tri thức dân gian chế biến cá nướng, vịt bầu lam và rượu men lá của người Tày” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, “Nghề đan lát truyền thống” của người Tày Nghĩa Đô cũng đã được vinh danh tương tự.
Quảng Cáo
Không chỉ dừng lại ở danh hiệu, những món ăn dân dã như vịt bầu lam ống nứa hay các sản phẩm đan lát từ nan cọ, tre, giang đang được đưa vào mô hình du lịch homestay, phục vụ trực tiếp cho du khách.
Quảng Cáo
“Ẩm thực Nghĩa Đô là sự kết tinh từ khí hậu, thổ nhưỡng, nguyên liệu bản địa và triết lý sống của người dân. Mỗi món ăn là một câu chuyện văn hóa,” ông Dương Tuấn Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai nhấn mạnh.
Đặc sản “vịt bầu lam” không chỉ nổi bật bởi giống vịt địa phương cổ ngắn, thịt chắc, mà còn bởi phương pháp chế biến bằng ống nứa – một kỹ thuật nấu ăn dân dã gắn liền với đời sống du mục của người Tày. Mỗi nguyên liệu, mỗi cách chế biến đều mang dấu ấn của triết lý ngũ hành âm dương, tạo nên sự cân bằng và tinh tế trong từng món ăn.
Bên cạnh đó, nghề đan lát truyền thống cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo. Người dân Nghĩa Đô sử dụng các vật liệu tự nhiên như nan cật cây cọ, củ nâu, nhọ nồi để tạo ra các sản phẩm thân thiện môi trường, bền màu, mang đậm dấu ấn thẩm mỹ dân gian.

Từ khi định hướng lấy bản sắc dân tộc Tày làm trọng tâm, xã Nghĩa Đô đã từng bước hình thành hệ thống homestay đặc trưng vùng cao, thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm. Các món ăn truyền thống, không gian sống bản địa và sự thân thiện của người dân tạo nên sức hút riêng biệt. Cụm homestay xã Nghĩa Đô còn vinh dự nhận Giải thưởng Homestay ASEAN 2023–2025 – minh chứng cho tiềm năng du lịch cộng đồng phát triển bài bản.
Theo thống kê, năm 2023, Nghĩa Đô đón hơn 21.000 lượt khách, doanh thu đạt 12,6 tỷ đồng. Năm 2024, số lượt khách tăng lên 25.000, mang lại doanh thu 15 tỷ đồng, trong đó có lượng lớn du khách quốc tế tìm về trải nghiệm sự mộc mạc, nguyên sơ của vùng đất di sản.
“Chúng tôi xác định phát triển du lịch không thể tách rời công tác bảo tồn văn hóa. Chính di sản là lợi thế cạnh tranh, là nền tảng để Nghĩa Đô vươn xa,” ông Đỗ Văn Lưu – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô chia sẻ.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Lào Cai đã đón hơn 7,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 718.000 lượt. Doanh thu du lịch ước đạt hơn 21.000 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu cả năm 2025 sẽ đón khoảng 12,3 triệu lượt du khách, mang về 46.705 tỷ đồng doanh thu từ ngành công nghiệp không khói.
Đến năm 2030, Lào Cai kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch sinh thái – văn hóa tầm quốc gia, với hơn 16,5 triệu lượt khách và doanh thu đạt gần 75.000 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào GRDP toàn tỉnh.
“Muốn phát triển bền vững, chúng ta không chỉ bảo tồn mà còn phải biến mỗi di sản thành một sản phẩm có giá trị. Mỗi di sản là một ‘tài nguyên mềm’ cần được thổi hồn bằng du lịch,” ông Dương Tuấn Nghĩa nhấn mạnh.
Quảng Cáo Liên Quan