Cảnh báo bệnh da liễu sau bão lũ: Đừng coi thường một vết ngứa nhỏ

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Sống trong môi trường ẩm thấp, ô nhiễm kéo dài sau mưa lũ đang khiến người dân đối mặt nguy cơ cao mắc các bệnh ngoài da, trong đó có những trường hợp có thể biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách.

Hậu quả sau bão số 3 (Wipha) gây ngập lụt trên diện rộng tại khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt ở Nghệ An, không chỉ dừng lại ở thiệt hại về tài sản mà còn kéo theo nhiều nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là bệnh da liễu do tiếp xúc thường xuyên với nước bẩn và môi trường ẩm ướt.

Quảng Cáo

Một số tình trạng da điển hình sau bão lũ
Một số tình trạng da điển hình sau bão lũ

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam, cảnh báo: “Nhiều người thường chủ quan với các biểu hiện da liễu nhẹ như ngứa, nổi mẩn sau bão. Tuy nhiên, trong điều kiện vệ sinh kém, những tổn thương da nhỏ có thể nhanh chóng chuyển thành ổ nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng huyết nếu không được điều trị đúng”.

Quảng Cáo

Dưới đây là những bệnh lý da liễu thường gặp sau lũ cần đặc biệt lưu ý:

  1. Viêm da tiếp xúc

Việc ngâm mình lâu trong nước bẩn khiến hàng rào bảo vệ da bị suy yếu, tạo điều kiện cho các chất kích ứng và dị ứng xâm nhập. Bệnh thường biểu hiện bằng ban đỏ, ngứa, rát, mụn nước nhỏ và đau tại vùng da tiếp xúc.

Khuyến nghị: Giữ khô da, tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng và có thể dùng kem chứa corticoid nhẹ hoặc thuốc kháng histamine theo chỉ dẫn y tế.

  1. Nấm da – Bệnh phổ biến sau lũ

Đây là tình trạng rất dễ gặp tại các vùng bẹn, bàn chân, nách… do độ ẩm cao. Triệu chứng gồm bong tróc, đỏ da, ngứa và mụn nước nhỏ.

Lưu ý: Nhiều người tự ý dùng thuốc có corticoid mạnh khiến nấm lan rộng và khó điều trị hơn. Do đó, cần sử dụng thuốc chống nấm phù hợp và tránh bôi thuốc khi chưa có chỉ định chuyên khoa.

  1. Bội nhiễm da do vết trầy xước

Việc dọn dẹp sau lũ khiến da dễ bị trầy xước. Khi tiếp xúc với nước bẩn, các vi khuẩn dễ dàng xâm nhập gây viêm mô tế bào, hoại tử hay thậm chí nhiễm trùng máu.

Hướng dẫn xử lý: Rửa sạch bằng nước muối sinh lý, bôi mỡ kháng sinh (như mupirocin) và theo dõi kỹ các dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, sốt, mủ…

  1. Côn trùng đốt

Sau bão lũ, muỗi, kiến, rệp… sinh sôi nhanh. Vết đốt không chỉ gây ngứa mà có thể dẫn đến dị ứng hoặc nhiễm trùng thứ phát.

Giải pháp: Làm sạch vùng bị đốt, hạn chế gãi. Có thể sử dụng thuốc bôi chứa corticoid nhẹ và thuốc uống kháng histamine để giảm ngứa.

Bác sĩ Thành nhấn mạnh: “Làn da là lớp áo giáp tự nhiên của cơ thể. Khi môi trường xung quanh ô nhiễm, độ ẩm cao và thiếu nước sạch, lớp bảo vệ này dễ bị phá vỡ”.

Các biện pháp phòng ngừa quan trọng gồm:

  • Tắm rửa bằng nước sạch ngay sau khi tiếp xúc với nước lũ
  • Lau khô cơ thể, nhất là vùng kẽ
  • Không mặc quần áo, đi giày dép ẩm
  • Không tự ý bôi thuốc chứa corticoid mạnh khi chưa rõ bệnh
  • Thăm khám nếu sau 3–5 ngày tổn thương da không cải thiện hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng như mủ, sốt, sưng đau

“Tôi từng tiếp nhận nhiều ca bệnh chỉ xuất phát từ một nốt ngứa nhỏ, nhưng do chủ quan, tự điều trị sai cách, vài ngày sau đã phải nhập viện vì nhiễm trùng lan rộng”, bác sĩ Thành chia sẻ.

Trong bối cảnh hậu bão lũ, việc chủ động bảo vệ sức khỏe là yếu tố then chốt. Đừng xem nhẹ những dấu hiệu da liễu nhỏ nhất – bởi nếu không điều trị đúng, chúng có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Thuỳ Như ( SKV 03:40 | 28/07/2025 ) 

Quảng Cáo Liên Quan