Lào Cai Online – Người Tày tại xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn (Lào Cai) đang từng bước phát huy giá trị ẩm thực cổ truyền thông qua việc bảo tồn và phát triển hai món đặc sản tiêu biểu: thịt chua và cá muối. Không chỉ là nét văn hóa độc đáo, những món ăn này còn mở ra hướng phát triển kinh tế địa phương theo mô hình sản xuất hàng hóa.
Vào mỗi buổi sáng tinh mơ, không khí tại thôn Làng Chút lại rộn ràng hơn thường lệ. Gia đình chị La Thị Viện cùng bà con lối xóm tụ họp để cùng nhau chuẩn bị thịt chua và cá muối – hai món ăn đậm đà hương vị truyền thống của dân tộc Tày.
Không đơn thuần là món ăn, đây còn là cách người Tày lưu giữ bản sắc tổ tiên qua từng công đoạn chế biến tỉ mỉ.

Món thịt chua được chế biến chủ yếu từ thủ lợn bản – giống lợn đen ít mỡ, được nuôi tự nhiên ở vùng cao. Sau khi sơ chế sạch sẽ, thịt được ướp kỹ với hỗn hợp thính gạo rang, giềng giã, sả và các loại gia vị bản địa. Sau đó, hỗn hợp này được ủ kín trong chum, vại đất trong ít nhất ba tháng để thịt lên men tự nhiên.
Quảng Cáo
“Muốn món ăn ngon thì phải chọn nguyên liệu thật chuẩn. Giềng, sả và thính gạo là ba gia vị không thể thiếu, chúng tạo nên hương vị đặc trưng rất riêng,” anh Hoàng Minh Tuấn, một người dân trong thôn cho biết.
Khi hoàn thành, thịt chua có màu đỏ sậm, vị chua thanh dễ chịu, thường được ăn kèm với các loại lá rừng để tăng thêm hương thơm và giúp dễ tiêu hóa.

Nhận thấy tiềm năng phát triển từ những món ăn truyền thống, nhiều hộ dân ở Làng Chút đã cùng nhau hình thành Hợp tác xã Nông – Lâm nghiệp, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng tiêu thụ.
“Chúng tôi đang triển khai thử nghiệm sản phẩm tại địa phương, đồng thời làm nhãn mác và chuẩn hóa quy trình để sẵn sàng mở rộng sang các thị trường huyện và tỉnh,” anh Hoàng Đình Tuyên, Phó Chủ nhiệm hợp tác xã, chia sẻ.
Ngoài sản phẩm thịt chua, cá ướp muối cũng được người dân chú trọng sản xuất. Cá tươi đánh bắt từ suối bản được làm sạch, tẩm ướp bằng muối hạt, tiêu rừng, và các loại lá thuốc dân gian, rồi được ủ trong thời gian dài để đạt được độ đậm đà, thơm ngon nhất.

Nhằm bảo vệ và phát triển những giá trị ẩm thực truyền thống, chính quyền xã Hòa Mạc đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Chúng tôi phối hợp với Hội Nông dân và các đơn vị chuyên môn để hướng dẫn bà con về kỹ thuật chế biến, quảng bá sản phẩm, đồng thời tổ chức lấy ý kiến từ các nghệ nhân cao tuổi để đảm bảo đúng hương vị truyền thống.”
Những nỗ lực này không chỉ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định mà còn tạo điều kiện để người dân nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương. Việc sản xuất và kinh doanh các món ăn truyền thống như thịt chua và cá ướp muối không chỉ là cách để người dân gìn giữ hồn cốt văn hóa dân tộc Tày, mà còn là hướng đi tiềm năng trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch và thương mại địa phương.
Giữa vòng quay hiện đại hóa, khi nhiều giá trị văn hóa có nguy cơ mai một, việc người dân Hòa Mạc vẫn giữ gìn và phát huy ẩm thực truyền thống chính là một biểu hiện rõ rệt của tinh thần bảo tồn di sản sống động.
Quảng Cáo Liên Quan