Lan tỏa mô hình trường học hạnh phúc ở Tả Phìn: Khơi dậy yêu thương trong từng tiết học

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Trường Tiểu học Tả Phìn, thị xã Sa Pa đang là điểm sáng trong việc triển khai mô hình “trường học hạnh phúc”, giúp học sinh dân tộc thiểu số thêm yêu trường lớp và phát triển toàn diện.

Sau 3 năm kiên trì triển khai, mô hình trường học hạnh phúc tại Tả Phìn đã tạo ra chuyển biến rõ nét cả trong nhận thức lẫn hành động của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Với triết lý “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhà trường đã nỗ lực xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện, nơi học sinh cảm thấy an toàn để phát triển bản thân về mọi mặt.

Điểm nhấn tại Trường Tiểu học Tả Phìn là các phòng học được đầu tư hiện đại, sáng tạo – trong đó nổi bật là phòng âm nhạc chuyên biệt, được trang bị đầy đủ nhạc cụ, hệ thống âm thanh và ánh sáng. Nhờ đó, các tiết học nghệ thuật trở nên sinh động hơn, giúp học sinh thể hiện năng khiếu âm nhạc một cách tự nhiên và hứng thú. Vàng Thị Phượng, học sinh lớp 4 chia sẻ: “Em rất thích học nhạc. Khi hát hay đánh đàn cùng các bạn, em cảm thấy vui vẻ và học bài dễ tiếp thu hơn”.

Phòng học nhạc riêng biệt, được trang bị đầy đủ các thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ phục vụ cho các tiết học ca, múa, nhạc (Ảnh THLC)
Phòng học nhạc riêng biệt, được trang bị đầy đủ các thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ phục vụ cho các tiết học ca, múa, nhạc (Ảnh THLC)

Không chỉ dừng lại ở hoạt động giảng dạy trên lớp, nhà trường còn tổ chức nhiều câu lạc bộ sinh hoạt sau giờ học gắn liền với bản sắc dân tộc. Từ thêu thổ cẩm, múa khèn, múa chuông đến học chữ nôm truyền thống, học sinh được trải nghiệm văn hóa bản địa một cách sống động, từ đó nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc và kỹ năng sống thực tiễn. Đáng chú ý, các nghệ nhân và phụ huynh địa phương cũng tham gia tích cực vào quá trình giảng dạy, tạo nên sự gắn kết cộng đồng ngay trong không gian học đường.

Quảng Cáo

Phụ huynh Vàng Thị Dua tâm sự: “Tôi rất mừng khi con được học trong môi trường khang trang, có thầy cô tận tình và nhiều hoạt động bổ ích giúp các cháu vừa học chữ vừa học làm người”.

Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt của trường học hạnh phúc ở Tả Phìn là văn hóa ứng xử thân thiện giữa thầy cô và học sinh. Mỗi giáo viên đều bắt đầu ngày mới với nụ cười và sự lắng nghe, trong khi học sinh được khuyến khích chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình. Các tiết học không chỉ dạy kiến thức mà còn là nơi để gieo mầm tình yêu thương, sự tôn trọng và tinh thần tích cực.

Cô Phùng Thị Minh Phương, Tổng phụ trách Đội, cho biết: “Các hoạt động ngoại khóa được thiết kế để học sinh chủ động hòa nhập, mạnh dạn thể hiện bản thân qua nghệ thuật, trò chơi và thảo luận nhóm. Điều đó góp phần nâng cao sự tự tin và khả năng tương tác của các em”.

Hiện tại, Trường Tiểu học Tả Phìn đang đón hơn 450 học sinh, chủ yếu là con em dân tộc Mông và Dao. Để phù hợp với điều kiện vùng cao, nhà trường không ngừng đổi mới trong quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng xây dựng môi trường học an toàn, giảm áp lực học tập, đồng thời gia tăng tính trải nghiệm, sáng tạo.

Các câu lạc bộ được thành lập tại trường để học sinh được tham gia trải nghiệm. (Ảnh THLC)
Các câu lạc bộ được thành lập tại trường để học sinh được tham gia trải nghiệm. (Ảnh THLC)

Cô Ong Thị Hiên, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Người hiệu trưởng cần lan tỏa tinh thần tích cực đến đội ngũ giáo viên, từ đó mỗi giáo viên mới thực sự truyền năng lượng yêu thương đến học sinh. Mỗi buổi học cần được bắt đầu bằng niềm vui, sự nhẹ nhàng, thay vì áp lực”.

Sa Pa hiện có gần 60 cơ sở giáo dục với trên 22.000 học sinh. Việc nhân rộng mô hình trường học hạnh phúc ở những vùng còn nhiều khó khăn như Tả Phìn không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà còn góp phần định hình một thế hệ học sinh biết yêu thương, biết sống tử tế và biết vượt lên nghịch cảnh.

Từ những nụ cười rạng rỡ trên sân trường đến sự tự tin của các em khi đứng trên sân khấu biểu diễn, có thể thấy rõ mô hình “trường học hạnh phúc” đã và đang thay đổi diện mạo giáo dục vùng cao theo hướng nhân văn, bền vững và hội nhập.

Quảng Cáo Liên Quan