Lào Cai Online – Nhờ sự đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mô hình “Thực hiện lấy máu gót chân tại nhà cho trẻ sơ sinh trên địa bàn huyện Bảo Thắng” đã trở thành một trong những điển hình tiêu biểu về “dân vận khéo” tại địa phương.

Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh bằng phương pháp lấy máu gót chân đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh ở trẻ. Thông qua phương pháp này, ngành y tế có thể phát hiện kịp thời một số bệnh nguy hiểm như thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh… Việc chẩn đoán sớm giúp trẻ được can thiệp điều trị kịp thời, đảm bảo sự phát triển bình thường.
Trong năm 2024, toàn huyện Bảo Thắng có 1.063 trẻ được lấy máu gót chân để sàng lọc sơ sinh, đạt 107,91% so với kế hoạch đề ra và tăng 56 trẻ so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, 74 trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh đã được phát hiện, theo dõi và tư vấn kịp thời.
Để triển khai hiệu quả mô hình này, Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành, trạm y tế xã và thị trấn tổ chức hơn 2.000 buổi tuyên truyền, tiếp cận trực tiếp hơn 9.400 người. Nội dung tuyên truyền tập trung vào lợi ích của sàng lọc sơ sinh và sàng lọc trước sinh, giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của xét nghiệm này.
Quảng Cáo

Cán bộ y tế địa phương đã sử dụng các tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nhờ đó, ngay cả những phụ nữ sinh con tại nhà cũng có cơ hội tiếp cận dịch vụ sàng lọc sơ sinh.
Ngoài ra, mô hình còn được triển khai theo hình thức xã hội hóa, đảm bảo mọi trẻ sơ sinh trên địa bàn đều có thể thực hiện xét nghiệm lấy máu gót chân hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng lồng ghép với phổ biến kiến thức pháp luật, như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt trong vấn đề hôn nhân cận huyết và bảo vệ trẻ em.
Việc triển khai mô hình không chỉ giúp phát hiện sớm các bệnh lý bẩm sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Với những kết quả đạt được, mô hình lấy máu gót chân tại nhà đã trở thành một điểm sáng trong phong trào “dân vận khéo”, thể hiện tinh thần trách nhiệm của ngành y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan