Lào Cai Online – Với niềm đam mê và quyết tâm đổi mới phương thức phát triển kinh tế ở vùng cao, anh Lù A Chu – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải – đang là tấm gương sáng trong việc đưa cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh và thất diệp nhất chi hoa vào trồng tại địa phương.
Xuất phát từ bản Mý Háng Tủa Chử, xã Púng Luông – nơi điều kiện tự nhiên khắt khe, anh Lù A Chu đã chọn một con đường phát triển kinh tế khác biệt: trồng cây dược liệu quý. Hiện gia đình anh đang chăm sóc hơn 2.000 gốc sâm Ngọc Linh và hàng trăm gốc thất diệp nhất chi hoa, nhiều cây trong số đó đã vượt qua mốc 20 năm tuổi.
Không chỉ hoàn thành tốt vai trò trong bộ máy chính quyền địa phương, anh Chu còn miệt mài học hỏi kinh nghiệm trồng dược liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Nhờ quá trình thử nghiệm và cải tiến, anh đã tìm ra hướng đi phù hợp: trồng cây trong bầu để giảm chi phí chăm sóc và kiểm soát tốt sự sinh trưởng, sau đó mới đưa vào môi trường tự nhiên khi cây đủ độ tuổi.

Theo anh Chu, trồng sâm không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là hành trình đòi hỏi sự kiên trì, kiến thức chuyên sâu và sự chăm chút lâu dài. Tuy nhiên, khi mô hình trồng thử nghiệm mang lại kết quả tích cực, anh đã chủ động chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong bản, tạo động lực để nhiều hộ dân khác bắt đầu trồng sâm.
Quảng Cáo
“Ban đầu tôi chỉ trồng thử, nhưng khi thấy cây phát triển tốt trong điều kiện địa phương, tôi quyết định mở rộng diện tích và khuyến khích người dân cùng tham gia. Không chỉ mang lại thu nhập mà còn là cách để bảo tồn nguồn gen quý hiếm”, anh Lù A Chu chia sẻ.

Từ mô hình ban đầu của anh Chu, đến nay xã Púng Luông đã có khoảng 3ha trồng cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, tam thất, thất diệp nhất chi hoa… Theo anh Lý A Tủa – Phó Bí thư Đảng ủy xã, hiện xã có 5 hộ đang trồng dược liệu với diện tích đa dạng từ nhỏ lẻ đến quy mô mô hình. Đây được xác định là hướng phát triển kinh tế bền vững trong tương lai gần.
Bên cạnh việc vận động người dân mở rộng diện tích trồng, địa phương cũng chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kỹ thuật để bà con nắm rõ quy trình trồng và chăm sóc dược liệu, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế.

Với sự tiên phong của anh Lù A Chu và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, việc phát triển cây dược liệu không chỉ mở ra cơ hội làm giàu cho người dân mà còn giúp bảo tồn hệ sinh thái và giá trị bản địa của vùng cao Mù Cang Chải.
Trong thời gian tới, xã Púng Luông đặt mục tiêu tiếp tục nhân rộng mô hình, thay thế dần các loại cây trồng hiệu quả thấp bằng cây dược liệu có giá trị cao, đồng thời xây dựng vùng chuyên canh dược liệu, hướng tới phát triển kinh tế sinh thái và du lịch nông nghiệp bền vững.
Quảng Cáo Liên Quan