Lào Cai Online – Lễ cưới của người Dao Thanh Y tại Bình Liêu (Quảng Ninh) không chỉ là dấu mốc quan trọng trong cuộc sống lứa đôi mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống với những nghi thức đặc sắc, tạo nên bản sắc riêng của dân tộc. Trong đó, nghi lễ rước dâu nổi bật với nhiều phong tục độc đáo, thể hiện sự giao thoa giữa tín ngưỡng, phong tục tập quán và tinh thần gắn kết cộng đồng.

Một trong những nghi thức quan trọng trong lễ rước dâu của người Dao Thanh Y là tục căng chỉ đỏ. Khi đoàn nhà trai đến đón dâu, họ sẽ bị chặn lại bởi một sợi chỉ đỏ hoặc dây đỏ được căng ngang cổng nhà gái. Để có thể bước vào trong, nhà trai phải vượt qua những thử thách do nhà gái đặt ra, như hát đối đáp, giải câu đố hoặc nộp lễ vật gồm tiền, rượu, bánh…
Theo quan niệm của người Dao Thanh Y, tục căng chỉ đỏ không chỉ tạo thêm phần trang trọng cho lễ cưới mà còn mang ý nghĩa tâm linh, giúp xua đuổi những điều không may mắn và kiểm chứng sự chân thành của nhà trai. Ông Voòng Phúc Niệp, một người có uy tín tại thôn Ngàn Phe, xã Đồng Tâm, chia sẻ: “Nghi thức này đã trở thành một phần không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người Dao Thanh Y, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và tạo thêm ý nghĩa cho ngày trọng đại của cô dâu, chú rể.”

Một phong tục không thể thiếu trong lễ rước dâu của người Dao Thanh Y là việc cô dâu phải khóc khi rời nhà mẹ đẻ. Nước mắt không chỉ thể hiện sự lưu luyến với gia đình mà còn là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với đấng sinh thành trước khi bắt đầu cuộc sống mới. Người Dao Thanh Y tin rằng, nếu cô dâu không khóc, cuộc sống hôn nhân sau này có thể gặp nhiều khó khăn, trắc trở.
Quảng Cáo
Chia sẻ về phong tục này, cô dâu Tằng Thị Quý cho biết: “Trước khi về nhà chồng, tôi được gia đình nhắc nhở rằng phải khóc trong ngày cưới. Đây không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn thể hiện tình cảm chân thành dành cho cha mẹ, nơi mình đã gắn bó suốt những năm tháng tuổi thơ.”

Tùy thuộc vào địa hình và phong tục từng dòng họ, cô dâu có thể được rước bằng kiệu hoặc đi bộ từ nhà gái về nhà trai. Trên đường đi, cô dâu được chỉnh trang lại trang phục và phải bịt mặt bằng khăn tự thêu hoặc khăn mặt mới. Khi đến cổng nhà chồng, đoàn rước dâu phải bước qua một đốm lửa nhỏ, tượng trưng cho việc xua đuổi vận rủi, đón những điều may mắn đến với đôi vợ chồng trẻ.
Tại nhà trai, cô dâu và chú rể sẽ thực hiện nghi thức nhập gia bằng cách đi vòng quanh mâm cúng, trên đó chỉ có hai bát cơm trắng cùng hai chén rượu. Sau đó, mẹ chồng sẽ hướng dẫn cô dâu nhóm lửa trong bếp, đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc sống mới, nơi cô dâu chính thức trở thành một thành viên trong gia đình.


Lễ rước dâu của người Dao Thanh Y không chỉ là một nghi thức cưới hỏi đơn thuần mà còn là biểu tượng của tình cảm gia đình, sự gắn kết giữa các thế hệ và lòng thành kính với tổ tiên. Những phong tục đặc sắc này đã tạo nên nét riêng cho văn hóa Dao Thanh Y, trở thành di sản quý giá cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống hiện đại.
Thanh Huế
Quảng Cáo Liên Quan