Võ Bình Định trên hành trình trở thành Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Lào Cai Online – “Ai về Bình Định mà coi – Con gái Bình Định cầm roi đi quyền”. Không biết tự bao giờ câu ca ấy đi vào lòng người, với một nỗi thôi thúc về miền đất Võ. Võ cổ truyền Bình Định ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ lưu giữ, bồi đắp, nâng tầm, Võ cổ truyền Bình Định phát triển, lan tỏa rộng khắp, là kết tinh các giá trị tinh hoa dân tộc và là nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Bình Định.

Cội nguồn và bản sắc Võ Bình Định

Bình Định, dải đất đồng bằng ven biển miền Trung nhưng có địa hình phức tạp và đầy trắc trở, ba mặt đều có núi cao án ngữ, phía Đông đối diện với biển cả bao la. Trong một không gian hẹp, đất đai không màu mỡ, chung sống nhiều thành phần dân tộc nên thời xa xưa đã từng xảy ra nhiều cuộc va chạm để giành quyền thống lĩnh địa bàn.

Quảng Cáo

Trong điều kiện đó, đòi hỏi người dân phải tự hình thành cho mình một phương pháp để tự vệ. Có khi là chiếc gậy đi đường, cây đòn gánh, thậm chí chiếc khăn quấn cổ cũng có thể trở thành vũ khí để chống trả sự tấn công. Và từ đó, hình thành một môn võ dân gian ở Bình Định, đồng thời tinh thần thượng võ cũng được thấm nhuần trong mỗi người dân nơi đây.

Hiện nay, ở Bình Định có rất nhiều lò võ cổ truyền
Hiện nay, ở Bình Định có rất nhiều lò võ cổ truyền

Thế nhưng, Võ Bình Định trở thành bài bản, phát huy tác dụng cao phải đến những năm đầu thế kỷ 18, với vai trò của các tướng lĩnh triều đình, các võ sư Bắc Hà và những anh hùng hiệp khách đến từ phương Bắc. Vì là vùng đất biên ải của thời Trịnh – Nguyễn phân tranh nên triều đình thường cử những tướng tài đến trấn giữ. Quá trình huấn luyện binh sĩ, trong đó có những binh sĩ là người địa phương đã có ảnh hưởng nhất định đến dòng võ dân gian Bình Định. Tiếp đến là những võ sư Bắc Hà vào sinh cơ, lập nghiệp và mở lò dạy võ. Vì vốn sẵn tinh thần thượng võ nên khi họ vừa bước chân đến đã được Nhân dân hưởng ứng rầm rộ.

Quảng Cáo

Theo một số tài liệu thì có rất nhiều võ sư mở lò võ ở Bình Định thời bấy giờ. Trong đó, hai nhân vật nổi tiếng nhất là Trương Văn Hiền và Đinh Văn Nhưng – hai võ sư đến từ xứ Thanh – Nghệ mở lò dạy võ thu hút hàng trăm học trò theo học. Cùng với những võ sư chính thức, một số anh hùng hiệp khách đến từ phương Bắc, trong đó có cả người Trung Hoa cũng tổ chức những lớp dạy võ ở khắp các địa phương tỉnh Bình Định. Chính từ những nguồn ảnh hưởng này, đã hình thành căn bản bước đầu một dòng Võ Bình Định được kết hợp bởi những thế võ dân gian và các bài bản trong võ thuật.

Nhưng nếu dừng ở đây, thì Võ Bình Định cũng chỉ là một dòng võ mờ nhạt trong làng võ Việt Nam. Đến khi sáu dòng tộc ở Tây Sơn, với những nhân vật xuất chúng như Bùi Thị Xuân, Ngô Quang Sở, Trần Quang Diệu… cùng với thiên tài Nguyễn Huệ đã đưa cái tinh tuý của võ thuật sáng tạo từ bản thân vào cái nền căn bản đó, thì Võ Bình Định mới đạt đỉnh cao của võ thuật và hình thành một bản sắc riêng. Nó được áp dụng triệt để vào quân sự, gắn liền với sự nghiệp lẫy lừng của người Anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ.

Quảng Cáo

Nhiều em nhỏ đam mê luyện tập Võ cổ truyền Bình Định
Nhiều em nhỏ đam mê luyện tập Võ cổ truyền Bình Định

Có thể nói, cái để làm nên bản sắc riêng của võ Bình Định, trước hết là người đi học võ tức là học đạo làm người. Cái đạo đó dạy cho người học võ biết giữ gìn và phát huy nét đẹp về hình thể mà tạo hoá đã sinh ra. Biết nhún nhường mềm mỏng nhưng cũng biết mạnh mẽ, đanh thép. Biết đánh ai và cứu ai giữa cuộc đời thiên hình, vạn trạng. Ngoài sự khổ luyện để đạt được trình độ võ thuật cao cường, môn sinh võ Bình Định còn phải học cách bấm huyệt giải độc, dùng thuốc chữa bệnh. Bởi vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi một võ sư cũng là một lương y mẫu mực, một người am hiểu tất cả các huyệt đạo trong cơ thể.

Tính quần chúng cũng là một nét đặc trưng của võ Bình Định. Hầu như các quyền thuật và binh khí đều gần gũi với môi trường và phương tiện lao động sản xuất của người nông dân. Ví dụ việc dùng đơn trọng, tức là trọng lượng cơ thể chỉ dồn vào một chân để di chuyển trong võ thuật, nhằm phù hợp với địa hình của người sử dụng là gồ ghề, cao thấp bất thường, không bằng phẳng.

Hoặc như việc tập luyện ứng với các thao tác lao động: Tập trụ ứng với tư thế cấy lúa, tập ngựa ứng với động tác tát nước… Về vũ khí chiến đấu ứng với dụng cụ lao động như: Roi ứng với cây đòn gánh; dọc chim, mỏ gảy, rựa… là hình ảnh của binh khí trong thập bát ban… Thậm chí chiếc khăn quấn cổ cũng được dùng như một nhuyễn tiên để đánh trả sự tấn công. Chính điều này đã làm nên sự độc đáo và lợi hại của võ Bình Định.

Võ Bình Định: Xưa và nay

Nếu lấy mốc từ thời Tây Sơn, tức là lúc võ Bình Định được nâng lên đỉnh cao, hình thành một phong cách đặc biệt cho môn phái này thì võ Bình Định đã có hơn 200 năm hình thành và phát triển. Ở thời Tây Sơn, võ Bình Định được ứng dụng triệt để trong luyện tập binh sĩ. Và hiệu quả của nó là những chiến công hiển hách đã được ghi vào quốc sử. Ngoài ra, võ Bình Định còn có một sức lan toả rộng rãi trong mọi tầng lớp Nhân dân.

Các chiêu thức của Võ cổ truyền Bình Định rất đẹp mắt nhưng không kém phần hiệu quả
Các chiêu thức của Võ cổ truyền Bình Định rất đẹp mắt nhưng không kém phần hiệu quả

Chưa thấy tài liệu nào ghi chép trong giai đoạn này có bao nhiêu võ sinh, bao nhiêu lò võ. Nhưng theo những câu chuyện trong dân gian, thì hầu như gia đình nào đủ ăn, đủ mặc đều cho con đi học võ. Những gia đình giàu có thì đến vài ba người. Võ nghệ cao cường không chỉ để bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mà còn được xã hội trọng vọng.

Đến những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Võ Bình Định lại tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Giai đoạn này, do đất nước có nhiều biến động nên nhu cầu tự vệ trong Nhân dân càng tăng. Gia đình có một người biết võ là truyền dạy cho anh em, con cháu để tạo thêm sức mạnh. Và người luyện võ được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt của gia đình, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, thuốc men chữa bệnh… Bởi vậy, Võ Bình Định càng mang tính phổ cập rộng rãi. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà người ta hay nói rằng, hễ là người Bình Định là có võ…

Sau ngày đất nước thống nhất, võ Bình Định vẫn giữ nguyên nét độc đáo cổ truyền và chiếm được lòng ngưỡng mộ của quần chúng. Võ Bình Định đã vượt qua ba đỉnh đèo Bắc – Tây – Nam để đến mọi miền đất nước. Không những thế, võ Bình Định còn vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam, đến với bạn bè thế giới như Pháp, Mỹ, Angiêri…

Quảng Cáo

Nhiều võ sinh nước ngoài tham gia tập luyện Võ cổ truyền Bình Định
Nhiều võ sinh nước ngoài tham gia tập luyện Võ cổ truyền Bình Định

Hiện nay, toàn tỉnh có 02 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên, đây là lực lượng quan trọng để giữ gìn và phát huy Võ cổ truyền Bình Định. Bên cạnh đó, có 177 võ đường, câu lạc bộ võ cổ truyền Bình Định, với hơn 12.000 võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên; trên địa bàn tỉnh có hàng chục làng võ nổi tiếng gắn với địa danh đã tồn tại trong lịch sử nhiều thế kỷ như: Làng võ An Vinh, Thuận Truyền, Phủ Thiện (huyện Tây Sơn); làng võ An Thái, Phương Danh (thị xã An Nhơn); làng võ An Hòa, Kỳ Sơn, Đại Lễ (huyện Tuy Phước)…

Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn người sử dụng thành thục các thế Võ Bình Định. Rất có thể đây là con số chưa chính xác vì với đức tính khiêm tốn, nhiều người không muốn tự xưng mình biết võ. Họ là những người bình thường dung dị nhưng lại ẩn bên trong một tài nghệ cao cường.

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Đưa võ Bình Định trở thành Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại

Để giữ gìn và phát huy nét văn hóa quý báu của dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề tài, đề án bảo tồn và phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định.

Trong đó, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định năm 2013 là một trong những bước đi hết sức quan trọng, nhằm tập trung nguồn lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, võ sư, huấn luyện viên… xây dựng võ cổ truyền Bình Định phát triển toàn diện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ võ sư, huấn luyện viên để truyền dạy cho thế hệ kế cận được chú trọng.

Võ sinh nước ngoài biểu diễn Võ cổ truyền Bình Định
Võ sinh nước ngoài biểu diễn Võ cổ truyền Bình Định

Việc đưa Võ cổ truyền Bình Định vào trường học trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện từ năm 2016, và được đưa vào nội dung thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp, nhờ đó đã thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện trong học sinh. Hằng năm, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều giải đấu, nhiều chương trình biểu diễn võ cổ truyền, thu hút đông đảo các võ đường, câu lạc bộ tham gia. Đặc biệt, Võ cổ truyền Bình Định đã trở thành hoạt động không thể thiếu, mang đậm nét truyền thống văn hóa và góp phần làm trang trọng các ngày lễ, Tết, các sự kiện trọng đại của tỉnh.

Cùng với đó, công tác quảng bá Võ cổ truyền Bình Định được đẩy mạnh thông qua các chương trình, giải đấu trong nước và quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, Chương trình “Đêm võ đài Bình Định” được tổ chức vào các dịp lễ, mùa du lịch tại thành phố Quy Nhơn đã trở thành giải đấu uy tín, là nơi giao lưu, cọ xát của các võ đường trong và ngoài tỉnh. Giải Võ cổ truyền các võ đường Bình Định tranh cúp Hoàng đế Quang Trung được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo các câu lạc bộ, võ đường tham gia thi đấu, giới thiệu những nét đặc trưng của môn phái đến với công chúng.

Đặc biệt, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần tại Bình Định, là nơi giao lưu võ cổ truyền giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với Võ cổ truyền Bình Định, qua đó đã góp phần quảng bá rộng rãi Võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè khu vực và quốc tế.

 Advertisement