Lào Cai Online – Thông tin 573 sản phẩm sữa giả bị phanh phui đang khiến dư luận rúng động. Giữa làn sóng phẫn nộ ấy, nhiều người bàng hoàng nhận ra họ hoặc người thân từng sử dụng chính những sản phẩm sữa này trong những thời khắc sinh tử tại bệnh viện.
Chị L.T. (quê Hà Tĩnh) vẫn chưa hết sốc khi biết loại sữa mẹ mình uống ngay sau ca mổ tim lại nằm trong danh sách các sản phẩm dinh dưỡng kém chất lượng bị Bộ Công an phát hiện.
Lật lại album ảnh cũ, chị nhận ra hộp sữa in dòng chữ đỏ nổi bật và có logo Nitrogen – chính là loại được sử dụng cho mẹ chị trong phòng vô trùng sau phẫu thuật tim hồi tháng 6/2024 tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội.”Cảm giác nghẹn ngào không thể diễn tả. Đó là ly sữa đầu tiên mẹ tôi uống sau ca đại phẫu. Vậy mà giờ biết nó là sữa giả, tôi đau lòng đến tức ngực”, chị T. nghẹn ngào chia sẻ.

Mua sữa từ combo bệnh viện, không ngờ dính hàng giả
Theo lời chị T., sau khi mổ tim, mẹ chị được chuyển vào khu vực cách ly nghiêm ngặt, người thân gần như không thể tiếp cận. Nhân viên y tế thông báo gia đình có thể đóng tiền để được cung cấp các vật dụng thiết yếu như bỉm, cốc, sữa… theo dạng “combo trọn gói”.
Quảng Cáo
Vì quá lo lắng cho sức khỏe mẹ, chị T. đồng ý mà không mảy may nghi ngờ. Đến khi mẹ chuyển về phòng thường, chị để ý thấy dòng chữ “dành cho người tiểu đường, suy thận” trên vỏ hộp, trong khi mẹ mình không mắc các bệnh này. Chị lập tức chụp ảnh thành phần để hỏi lại chuyên gia.”Mẹ tôi bảo lúc ở phòng vô trùng, họ đã pha cho bà 2-3 ly. Hộp sữa gần như vẫn còn nguyên. Khi ra ngoài, chồng tôi nghi ngờ nên khuyên dừng ngay”, chị kể lại.
Dẫu may mắn phát hiện kịp thời, nhưng điều khiến chị day dứt không nguôi là việc đã tặng hộp sữa còn lại cho một bệnh nhân đồng hương nằm cùng phòng. Người này sau đó không qua khỏi sau ca phẫu thuật. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là một hành động sẻ chia. Nhưng giờ biết sự thật, lòng tôi nặng trĩu. Tôi không biết phải đối mặt với cảm giác tội lỗi này thế nào”, chị T. trải lòng.
Mẹ trẻ ở Hà Nội uống trọn hộp sữa giả sau sinh
Không chỉ chị T., chị T.P. (32 tuổi, Hà Nội) cũng hoảng hốt khi biết mình đã uống hết một hộp sữa giả sau ca sinh mổ hồi tháng 3/2025 tại một bệnh viện trung ương ở Thủ đô.
“Tôi sinh mổ, không có sữa nên theo lời y tá, chồng mua một hộp sữa về để tôi dùng kích sữa. Đến khi báo chí đưa tin sữa này là hàng giả, tôi thực sự lo lắng vì đã uống sạch hộp đó”, chị nói.
Một sản phụ khác cùng phòng chị P. cũng mua loại sữa này nhưng do nghi ngờ, đã yêu cầu đổi hàng. Tuy nhiên, bên bán không chấp nhận dù hộp còn nguyên.
Chị P. cho biết, khi uống sữa không cảm thấy có gì lạ ngoài việc vị nhạt và không béo như các loại sữa dinh dưỡng thông thường.

Vụ bê bối 573 sản phẩm sữa giả gây chấn động
Ngày 12/4 vừa qua, Bộ Công an công bố thông tin chấn động: 573 nhãn sữa bột dành cho người bệnh – bao gồm người tiểu đường, suy thận, sản phụ, trẻ sinh non… – bị phát hiện là sản phẩm giả với chất lượng không đạt 70% so với công bố.
Các sản phẩm này được sản xuất bởi hai công ty là Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, với doanh thu gần 500 tỷ đồng chỉ trong 4 năm.
Điều đáng lo ngại là những sản phẩm kém chất lượng này thường được quảng cáo rầm rộ có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, hạt macca… để thu hút người tiêu dùng.
Người tiêu dùng hoang mang, bệnh viện rúng động
Nỗi hoang mang còn lan đến các y bác sĩ và bệnh viện, khi một số sản phẩm sữa giả đã lọt vào tận hệ thống y tế.
Biên tập viên Thu Hà (VTV) chia sẻ sự bàng hoàng khi biết những ly sữa đầu tiên chị mua cho chồng sau ca mổ não cũng là sữa giả.
“Tôi chỉ nghĩ đơn giản, cửa hàng gần bệnh viện thì chắc là hàng chuẩn. Lúc ấy chỉ mong chồng hồi phục nhanh, đâu ngờ mua nhầm sữa giả”, chị nghẹn ngào kể.
Ngày 17/4, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát thông báo đã phát hiện sữa Hofumil Gold Plus, thuộc danh mục nghi vấn hàng giả, từng được lưu hành trong bệnh viện. Dù chưa có kết luận cuối cùng từ cơ quan điều tra, lãnh đạo bệnh viện đã chỉ đạo dừng sử dụng và thu hồi sản phẩm, đồng thời cam kết hoàn tiền cho người bệnh.
“Nếu sản phẩm bị xác định là giả, bệnh viện và người bệnh đều là nạn nhân”, đại diện bệnh viện khẳng định.

Cơ quan chức năng lên tiếng: Hàng trăm nhãn sữa “tự công bố”
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác nhận, toàn bộ các sản phẩm bị phát hiện đều được “tự công bố” tại Chi cục An toàn thực phẩm các địa phương – trong đó có Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…
Từ năm 2021 – 2023, hai công ty Rance Pharma và Hacofood đã nộp tổng cộng 71 hồ sơ công bố sản phẩm tại Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, nhưng không hồ sơ nào ghi rõ sản phẩm dành cho người bệnh đặc thù như tiểu đường hay suy thận.

Đạo đức ở đâu trong sản phẩm dinh dưỡng cho người bệnh?
Không thể phủ nhận, việc hàng trăm nghìn người sử dụng sữa giả – đặc biệt là những người đang trong tình trạng yếu ớt nhất – đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về đạo đức và trách nhiệm xã hội.
“Họ không nhắm vào người khỏe mạnh, mà vào những bệnh nhân sau mổ, trẻ em sinh non, người già yếu… Làm vậy là thất đức đến tận cùng”, chị L., một người tiêu dùng bức xúc nói.
Trong khi chờ đợi kết luận và chế tài từ phía cơ quan điều tra, điều quan trọng nhất lúc này là cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm dinh dưỡng – đặc biệt trong môi trường bệnh viện, nơi sinh mạng con người được đặt lên hàng đầu.
Thanh Chúc
Quảng Cáo Liên Quan