Tự chữa rắn cắn bằng lá thuốc, người đàn ông ở Lào Cai nguy kịch vì bỏ lỡ thời gian cấp cứu ‘vàng’

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Một bệnh nhân 50 tuổi tại Lào Cai đang trong tình trạng nguy kịch sau khi bị rắn độc cắn nhưng không đến bệnh viện mà chọn cách đắp lá thuốc tại nhà thầy lang, khiến quá trình điều trị bị chậm trễ và bỏ lỡ “giờ vàng” giải độc.

Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận ca cấp cứu đặc biệt là một người đàn ông trung niên, quê ở Lào Cai, bị rắn hổ mang chúa cắn vào buổi trưa ngày 16/7. Thay vì đến cơ sở y tế, nạn nhân đã tìm đến một thầy lang địa phương để đắp thuốc lá. Sau đó ông trở về nhà sinh hoạt như bình thường.

Quảng Cáo

Tuy nhiên, chỉ hai giờ sau, người bệnh bắt đầu có triệu chứng khó nói. Trên đường tới bệnh viện, ông bất ngờ rơi vào tình trạng co cứng toàn thân, tím tái, suy hô hấp nghiêm trọng và hôn mê. Khi còn cách viện huyện khoảng 20 phút, bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn.

Quảng Cáo

Các bác sĩ tuyến dưới đã tiến hành hồi sức cấp cứu, giúp tim đập trở lại, sau đó chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp tụt, tổn thương tim. Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực bằng phương pháp hạ thân nhiệt để bảo vệ não và sử dụng thuốc giải độc

Bệnh nhân được điều trị phương pháp hạ thân nhiệt để bảo vệ não
Bệnh nhân được điều trị phương pháp hạ thân nhiệt để bảo vệ não

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc, thời gian xử lý sau khi bị rắn độc cắn cực kỳ quan trọng, thậm chí chỉ trong vài giờ đầu tiên. Việc sử dụng huyết thanh kháng nọc đúng lúc có thể giúp cứu sống bệnh nhân và hạn chế tổn thương cơ thể. Nếu đến bệnh viện muộn, bệnh nhân dễ bị hoại tử, suy hô hấp, tổn thương não hoặc tử vong.

Ông Nguyên nhấn mạnh, các loài rắn cực độc như hổ mang chúa, cạp nia, cạp nong, rắn lục đầu bạc, rắn biển… đều có độc tố thần kinh gây liệt nhanh, đặc biệt là liệt cơ hô hấp trong thời gian rất ngắn. Nếu không được điều trị kịp thời bằng phương pháp y học hiện đại, tỷ lệ sống sót rất thấp.

Nhiều người dân vẫn tin vào phương pháp y học cổ truyền như đắp thuốc lá, uống thuốc thảo dược, dùng “đá chữa rắn cắn”, áp gà, thậm chí dùng sừng tê giác – tuy nhiên tất cả những cách này đều không có khả năng trung hòa nọc độc. Ngược lại, chúng khiến bệnh nhân mất đi cơ hội được điều trị đúng cách trong thời gian quan trọng nhất.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, thực tế đã ghi nhận nhiều ca bệnh tử vong do chậm trễ cấp cứu. Trong đó, có cả trường hợp con trai của một thầy lang nổi tiếng từng mất mạng vì không đến bệnh viện sau khi bị rắn độc cắn, mà chỉ dùng các bài thuốc gia truyền tại nhà.

Thống kê y học cho thấy có khoảng 30% các ca rắn cắn là “vết cắn khô” – tức là rắn cắn nhưng không bơm nọc. Những trường hợp này thường không gây nguy hiểm, khiến nhiều người hiểu nhầm rằng phương pháp dân gian có tác dụng. Tuy nhiên, việc hy vọng mình rơi vào nhóm “vết cắn khô” là vô cùng rủi ro và không thể thay thế cho việc cấp cứu y tế đúng chuẩn.

Hiện nay, Việt Nam đã phát hiện khoảng 70 loài rắn độc và hàng trăm loài không độc. Việc phân biệt đúng loài rắn, xác định có nhiễm độc hay không cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn, kết hợp với các chuyên gia nhận dạng rắn.

Hiện hệ thống y tế tuyến trên tại Việt Nam đã có phác đồ điều trị rắn cắn rõ ràng, thuốc giải độc đặc hiệu và hỗ trợ hội chẩn từ xa. Việc chẩn đoán đúng loài rắn cắn, xác định mức độ nhiễm độc và xử trí kịp thời là yếu tố then chốt để cứu sống bệnh nhân.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh: “Trong mọi trường hợp bị rắn cắn, biện pháp duy nhất an toàn là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được điều trị bằng thuốc và phương pháp hiện đại”.

Quảng Cáo Liên Quan