Ấm lòng mô hình ‘Mẹ đỡ đầu’ tại Đồn Biên phòng Bát Xát, Lào Cai

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Với mong muốn đồng hành cùng học sinh có hoàn cảnh đặc biệt trên hành trình học tập, ngày 5/7, Đồn Biên phòng Bát Xát (tỉnh Lào Cai) chính thức triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu”, mang đến sự hỗ trợ thiết thực cả về vật chất lẫn tinh thần cho các em nhỏ nơi biên cương.

Tặng quà cho học sinh vượt khó vươn lên học tập tốt ở Đồn biên phòng Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Lan Hương
Tặng quà cho học sinh vượt khó vươn lên học tập tốt ở Đồn biên phòng Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Lan Hương

Tại buổi lễ ra mắt, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cùng các nhà hảo tâm đã trao quà và cam kết bảo trợ cho 15 học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn xã Bát Xát. Mỗi em sẽ nhận được khoản hỗ trợ 500.000 đồng/tháng, nhằm chia sẻ gánh nặng chi phí học tập và sinh hoạt cho gia đình.

Quảng Cáo

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính, cán bộ Đồn Biên phòng Bát Xát còn thường xuyên phối hợp với nhà trường, đồng hành cùng gia đình trong việc theo dõi kết quả học tập, động viên tinh thần và hướng dẫn sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ đúng mục đích.

Quảng Cáo

Ra mắt mô hình "Mẹ đỡ đầu" giúp các học sinh nghèo vươn lên học tốt ở Đồn biên phòng Bát Xát. Ảnh: Lan Hương
Ra mắt mô hình “Mẹ đỡ đầu” giúp các học sinh nghèo vươn lên học tốt ở Đồn biên phòng Bát Xát. Ảnh: Lan Hương
Tặng quà cho 15 học sinh nghèo vượt khó ở xã Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Lan Hương
Tặng quà cho 15 học sinh nghèo vượt khó ở xã Bát Xát (Lào Cai). Ảnh: Lan Hương

Trung tá Đoàn Ngọc Sơn, đại diện Đồn Biên phòng Bát Xát, cho biết: “Mô hình không chỉ là sự sẻ chia với hoàn cảnh khó khăn, mà còn là cách chúng tôi lan tỏa tình yêu thương, nâng bước các em đến trường, nuôi dưỡng ước mơ trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn ở vùng biên”.

Trước đó, mô hình “Mẹ đỡ đầu” đã được Đồn Biên phòng Y Tý triển khai thành công từ năm 2024, giúp 31 học sinh tiếp tục được đến lớp. Đây là một trong những hoạt động tiêu biểu của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, gắn kết quân – dân nơi vùng cao biên giới.

Việc triển khai mô hình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ là sự tiếp sức về vật chất cho các em nhỏ, mà còn truyền cảm hứng nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng của lực lượng vũ trang với sự nghiệp giáo dục, đặc biệt tại những địa bàn khó khăn.

Quảng Cáo Liên Quan