Lào Cai Online – Hơn 1.000 học sinh, sinh viên cùng hàng trăm dự án sáng tạo đã hội tụ tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ VII, diễn ra từ ngày 18 đến 20-4 tại TP.HCM. Sự kiện được tổ chức bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP.HCM, phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Sau nhiều năm triển khai, phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, đã không còn là khẩu hiệu suông. Tinh thần đổi mới sáng tạo đang len lỏi vào từng lớp học, từng dự án, từng sản phẩm cụ thể. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của các ý tưởng mang tính ứng dụng cao tại các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài nhà trường là minh chứng rõ nét cho sự chuyển biến này.
Tại Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (COFER), khởi nghiệp không còn là hoạt động mang tính phong trào mà đã trở thành một phần trong chiến lược đào tạo lâu dài. Nhà trường đưa học phần “Kỹ năng khởi nghiệp” vào chương trình chính khóa, đồng thời xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên từ những bước đầu hình thành ý tưởng cho đến quá trình triển khai thực tế. Hàng loạt hoạt động như hội chợ sinh viên, chương trình cố vấn, phản biện dự án và hỗ trợ tài chính từ Quỹ khởi nghiệp nội bộ đã và đang được vận hành một cách bài bản.

Từ mô hình đào tạo này, nhiều dự án của sinh viên COFER đã bước ra khỏi khuôn viên nhà trường để vươn ra sân chơi lớn. Có thể kể đến Sunflower – dòng nước cắm hoa thân thiện môi trường, được phát triển từ nguyên liệu tự nhiên, đã giành giải nhất cuộc thi “Tài năng Kinh tế Đối ngoại” lần thứ 14. Hiện dự án đang vận hành mô hình sản xuất quy mô nhỏ và đưa sản phẩm ra thị trường, cung cấp cho các hộ dân, cửa hàng hoa trên địa bàn TP.HCM.
Quảng Cáo
Một sáng kiến khác cũng ghi dấu ấn đậm nét là BTCOCO – chuỗi sản phẩm gia dụng và trang trí làm từ gáo dừa. Ý tưởng vừa tận dụng nguồn nguyên liệu rẻ, dễ tìm, vừa truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường, đang được nhiều cửa hàng quà tặng thủ công để mắt đến. Không chỉ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ, BTCOCO còn là câu chuyện truyền cảm hứng về một thế hệ trẻ biết khởi nghiệp từ chính những điều gần gũi với cuộc sống thường ngày.
Nổi bật không kém là thương hiệu đồ uống Soffee Tree – dự án của nhóm sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế. Bắt đầu từ một ý tưởng trong lớp học, Soffee Tree đã được thử nghiệm thực tế tại hội chợ sinh viên, đạt doanh thu đáng kể và hiện đang được lên kế hoạch phát triển theo mô hình nhượng quyền trong nội bộ trường. Đây không chỉ là mô hình kinh doanh, mà còn là bài học sống động về cách biến lý thuyết thành hành động, từ lớp học đến thị trường.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Trung – Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, nhà trường đều đặn trích khoảng 100 triệu đồng mỗi năm để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ tài chính, nhà trường còn đóng vai trò là cầu nối giữa sinh viên với các quỹ đầu tư và nhà tài trợ tiềm năng. “Chúng tôi khuyến khích sinh viên bắt đầu từ chính những nhu cầu trong cuộc sống. Dự án phải giải quyết được vấn đề thực tiễn thì mới có cơ hội tồn tại và phát triển bền vững,” ông Trung nhấn mạnh.
Không khí sôi động tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần VII càng cho thấy rõ một điều: khởi nghiệp không còn là đặc quyền của những người đã ra trường. Ngày nay, sinh viên hoàn toàn có thể bắt đầu hành trình kinh doanh từ giảng đường, với sự hỗ trợ tích cực từ nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Các sân chơi như Startup Kite, CiC hay NTTU Start-up Open Day đã trở thành “bệ phóng” cho hàng loạt ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên trên toàn quốc, mở ra cơ hội hiện thực hóa ước mơ làm chủ cho thế hệ trẻ.
Không chỉ lan tỏa tinh thần đổi mới, những dự án khởi nghiệp của sinh viên còn là dấu hiệu tích cực cho thấy giáo dục nghề nghiệp đang dần thay đổi: không chỉ dạy nghề, mà còn đào tạo tư duy làm chủ, khơi dậy khát vọng và khả năng tạo ra giá trị thực sự cho xã hội.
Quảng Cáo Liên Quan