Phường Sa Pa triển khai lấy ý kiến đổi tên tổ dân phố, hướng tới quản lý hành chính hiệu quả

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Nhằm chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hành chính sau sáp nhập, phường Sa Pa đang tích cực lấy ý kiến nhân dân về việc đổi tên các tổ dân phố, hướng tới một nền quản lý nhà nước tinh gọn, hiện đại và hiệu quả theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Sau khi sáp nhập 6 phường cũ gồm Sa Pa, Phan Si Păng, Hàm Rồng, Sa Pả, Cầu Mây và Ô Quý Hồ, phường Sa Pa mới hiện có hơn 4.400 hộ dân với trên 22.000 nhân khẩu. Tuy nhiên, việc duy trì các tên tổ dân phố cũ dẫn đến nhiều trường hợp trùng lặp tên gọi, gây khó khăn trong cấp phát giấy tờ, quản lý dân cư, cũng như triển khai chính sách an sinh.

Quảng Cáo

Từ ngày 10/7, UBND phường Sa Pa bắt đầu triển khai lấy ý kiến người dân về phương án đổi tên 27 tổ dân phố, đảm bảo quy trình được thực hiện công khai, minh bạch và dân chủ. Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến sẽ hoàn tất vào ngày 12/7.

Quảng Cáo

z6792965633498 269b96b6544265a4ca3cc452ec186ba1 scaled 1

Khảo sát sơ bộ cho thấy, phần lớn người dân đều bày tỏ sự ủng hộ cao. Bà Hồ Thị Thu Hương, cư dân tổ Sa Pa 3, cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình với việc đổi tên tổ dân phố vì sẽ thuận tiện hơn trong các thủ tục hành chính và giao dịch sau này.”

Tính đến hết ngày 11/7, công tác lấy ý kiến đã đạt hơn 90% tiến độ, với hơn 4.000 hộ dân đồng thuận với phương án đổi tên. Nhiều tổ dân phố đã đạt gần như 100% ý kiến đồng thuận nhờ sự chủ động, linh hoạt của tổ công tác tại cơ sở.

Hướng dẫn người dân điền thông tin trên phiếu lây ý kiến ( ảnh TT VH, Thể thao-Truyền thông khu vực Sa Pa )
Hướng dẫn người dân điền thông tin trên phiếu lây ý kiến ( ảnh TT VH, Thể thao-Truyền thông khu vực Sa Pa )

Dù nhận được sự đồng thuận cao, công tác lấy ý kiến cũng gặp không ít trở ngại. Tại tổ dân phố số 3 (phường Sa Pa cũ), chỉ có khoảng 110/156 hộ thường trú có mặt thường xuyên tại địa phương. Để không bỏ sót, các cán bộ địa phương phải trực tiếp đến từng hộ, gọi điện, hẹn lịch và hướng dẫn người dân điền phiếu.

Còn tại tổ dân phố số 1 phường Hàm Rồng cũ (nay dự kiến là Hàm Rồng 1), địa hình đồi núi và dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông khiến việc tiếp cận người dân trở nên khó khăn. Anh Hạng A Kho, tổ trưởng tổ dân phố chia sẻ: “Chúng tôi phải đi từng nương, từng vườn để gặp dân. Dù vất vả, nhưng ai cũng hiểu tầm quan trọng của việc đổi tên và cố gắng hoàn thành đúng thời gian.”

Các thành viên trong tổ công tác đi gặp gỡ từng người dân để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người dân ghi phiếu lấy ý kiến ( TT VH, Thể thao-Truyền thông khu vực Sa Pa )
Các thành viên trong tổ công tác đi gặp gỡ từng người dân để tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người dân ghi phiếu lấy ý kiến ( TT VH, Thể thao-Truyền thông khu vực Sa Pa )

Việc thống nhất tên gọi các tổ dân phố không chỉ giúp đảm bảo tính duy nhất, dễ tra cứu và minh bạch thông tin mà còn là bước đi cần thiết để chuẩn hóa dữ liệu dân cư, phục vụ công tác chuyển đổi số và quản lý hành chính trong giai đoạn mới.

Lãnh đạo phường Sa Pa cho biết: “Việc đổi tên các tổ dân phố sẽ góp phần giúp bộ máy hành chính vận hành trơn tru hơn, hạn chế sai sót trong quản lý hộ khẩu, cấp giấy tờ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư điện tử.”

Thuỳ Như

Quảng Cáo Liên Quan