Sa Pa phát triển du lịch cộng đồng từ nghề thủ công truyền thống

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Du lịch cộng đồng tại Sa Pa (Lào Cai) đang trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Nắm bắt xu hướng này, người dân địa phương, đặc biệt tại xã Tả Van, đã sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo từ nghề thủ công truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế bền vững.

Gia đình bà Lý Thị Mỷ (thôn Tả Van Mông, xã Tả Van, thị xã Sa Pa) là một trong những hộ tiên phong kết hợp dịch vụ homestay với việc gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống. Với kinh nghiệm 7 năm làm du lịch, bà Mỷ đã biến nghề vẽ sáp ong và may trang phục truyền thống của người Mông thành điểm nhấn thu hút du khách. Ngoài việc bày bán các sản phẩm lưu niệm ngay tại nhà, bà còn hướng dẫn du khách trải nghiệm cách tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo.

Nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách trải nghiệm
Nghề truyền thống trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách trải nghiệm

Bà Mỷ chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ làm trang phục để phục vụ gia đình. Sau này, khách du lịch ghé thăm và bày tỏ mong muốn học nghề, tôi bắt đầu hướng dẫn họ. Có ngày đón hàng chục, thậm chí 30 – 40 khách đến trải nghiệm.”

Quảng Cáo

Nhờ mô hình kết hợp này, mỗi tháng gia đình bà Mỷ có thu nhập ổn định, trung bình hơn 10 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Không chỉ người Mông, các cộng đồng dân tộc khác như người Giáy ở xã Tả Van cũng nắm bắt cơ hội phát triển nghề thủ công truyền thống. Người dân đã sáng tạo các sản phẩm lưu niệm từ vải thêu dệt, tận dụng nguyên liệu tái chế như vải cũ không còn sử dụng để tạo ra các món quà mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

n1 316568011 2

Chị Phan Thị Hèn (thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van) chia sẻ: “Làm thêm các sản phẩm thủ công không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn tạo thêm việc làm cho bà con. Tôi cảm thấy rất vui khi có thể vừa gìn giữ nghề truyền thống vừa có thêm kinh tế ổn định.”

Hiện tại, xã Tả Van là nơi sinh sống lâu đời của hai dân tộc chính là người Mông và người Giáy. Cả hai cộng đồng đều giữ gìn khá nguyên vẹn nét văn hóa và nghề thủ công đặc trưng, từ đó tạo nên sức hút đặc biệt với du khách muốn trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa.

Việc kết hợp phát triển du lịch cộng đồng và bảo tồn nghề thủ công truyền thống không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần gìn giữ di sản văn hóa độc đáo của các dân tộc ở Sa Pa. Đây được coi là giải pháp bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm phong phú sản phẩm du lịch địa phương.

Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa, nhấn mạnh: “Chúng tôi tập trung khai thác các điểm du lịch cộng đồng, qua đó giúp bà con địa phương có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động như biểu diễn văn nghệ dân gian, sản xuất quà lưu niệm và thực hành nghề truyền thống. Điều này không chỉ tạo ra sinh kế bền vững mà còn góp phần quảng bá văn hóa đặc sắc của Sa Pa đến du khách.”

Trong xu hướng phát triển du lịch nông thôn, việc khai thác các làng nghề truyền thống và văn hóa bản địa đã trở thành yếu tố cốt lõi giúp cộng đồng dân tộc thiểu số tại Sa Pa phát triển kinh tế. Du khách đến với Sa Pa không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa độc đáo qua các hoạt động thủ công truyền thống như vẽ sáp ong, dệt thổ cẩm hay làm đồ lưu niệm.

Với sự sáng tạo và linh hoạt của người dân, du lịch cộng đồng tại Sa Pa đang dần khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội phát triển kinh tế mà còn là cách để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Thanh Huế

Quảng Cáo Liên Quan