Vietjet lập kỷ lục doanh thu 2024, mở rộng mạng bay quốc tế

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Công ty cổ phần hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đã khép lại năm 2024 với thành tích kinh doanh ấn tượng, ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động. Sự tăng trưởng mạnh mẽ được thúc đẩy bởi chiến lược mở rộng mạng bay quốc tế và tối ưu hóa hoạt động khai thác.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2024, Vietjet ghi nhận doanh thu hàng không đạt 19.776 nghìn tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 167 tỷ đồng, tăng 247% so với năm 2023.

Tính chung cả năm 2024, doanh thu từ mảng hàng không đạt 71.545 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.301 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 697% so với năm trước. Doanh thu hợp nhất của Vietjet trong quý IV đạt 19.797 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 21,4 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 36% và 8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến hết năm 2024, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 71.859 nghìn tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế hơn 1.426 tỷ đồng, tăng 23% và 516% so với năm trước.

Năm qua, Vietjet đã vận chuyển 25,9 triệu lượt khách trên tổng số 137.000 chuyến bay, khai thác 145 đường bay, trong đó có 44 đường bay nội địa và 101 đường bay quốc tế.

Quảng Cáo

Chủ tịch HĐQT Vietjet, TS Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại sự kiện "Friends of Vietnam Summit" ở Mar-a-Lago - Hoa Kỳ.
Chủ tịch HĐQT Vietjet, TS Nguyễn Thị Phương Thảo phát biểu tại sự kiện “Friends of Vietnam Summit” ở Mar-a-Lago – Hoa Kỳ.

Vietjet đã hoàn thành kế hoạch tiếp nhận thêm 10 tàu bay mới trong năm 2024, nâng tổng số tàu bay lên 94 chiếc, thuộc nhóm trẻ nhất khu vực. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 87%, trong khi chỉ số tin cậy kỹ thuật lên đến 99,72%.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Vietjet đạt gần 99.500 nghìn tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu là 2,12 lần, trong khi chỉ số thanh khoản đạt 1,71 lần, đảm bảo mức an toàn tài chính. Hãng hàng không này cũng duy trì số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và các khoản tương đương tiền trên 7.700 tỷ đồng, tạo nền tảng vững chắc cho khả năng thanh toán và đầu tư.

Trong năm qua, Vietjet đã đóng góp hơn 7.500 tỷ đồng thuế và phí vào ngân sách nhà nước.

Tàu bay Vietjet tại sân bay Miami, Florida, Hoa Kỳ
Tàu bay Vietjet tại sân bay Miami, Florida, Hoa Kỳ

Kết quả kinh doanh tích cực đến từ chiến lược tập trung mở rộng mạng bay quốc tế, giúp hãng tiếp cận các thị trường tiềm năng và tăng cường kết nối hàng không giữa Việt Nam với nhiều quốc gia.

Trong quý IV/2024, Vietjet đã khai trương đường bay thẳng từ Đà Nẵng đến Ahmedabad (Ấn Độ), kết nối Tây An (Trung Quốc) với TP.HCM, đồng thời tăng tần suất các chuyến bay từ TP.HCM đi Perth (Úc) và nhiều điểm đến ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Hong Kong (Trung Quốc). Hãng cũng ký kết thỏa thuận hợp tác với Emirates nhằm mở rộng mạng lưới bay từ Việt Nam đến Dubai và các điểm đến khác trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Vietjet tiếp tục mở rộng kết nối đến Ấn Độ với các đường bay mới tới Hyderabad và Bangalore, đồng thời khai trương các tuyến bay đến Bắc Kinh và Hàng Châu (Trung Quốc).

Năm 2024, Vietjet đã vận chuyển hơn 25,9 triệu lượt hành khách
Năm 2024, Vietjet đã vận chuyển hơn 25,9 triệu lượt hành khách

Trong năm qua, Vietjet và CFM International đã xác nhận các đơn đặt hàng hơn 400 động cơ LEAP-1B, với tổng giá trị 8 tỷ USD. Hãng cũng ký kết thỏa thuận với Castlelake để thu xếp khoản vay dài hạn trị giá 560 triệu USD, phục vụ hoạt động thuê mua tài chính tàu bay.

Bước sang năm 2025, Vietjet đánh dấu một cột mốc quan trọng khi thực hiện chuyến bay đầu tiên từ Việt Nam đến Hoa Kỳ. Tại thị trường này, hãng đã thảo luận và ký kết các thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị khoảng 14 tỷ USD, tiếp tục nối dài chuỗi hợp tác chiến lược với Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney và Honeywell, nâng tổng giá trị các hợp đồng lên gần 50 tỷ USD. Dự kiến, Vietjet sẽ tiếp nhận 14 tàu bay 737 Max đầu tiên trong tổng số 200 chiếc đặt hàng từ Boeing, giúp tăng cường năng lực khai thác.

Không dừng lại ở đó, Vietjet đang trong quá trình đàm phán với SpaceX và các nhà cung cấp công nghệ hàng đầu nhằm triển khai dịch vụ Internet trên máy bay, cải thiện trải nghiệm hành khách và đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành hàng không.

Vietjet đặt mục tiêu duy trì vị thế tiên phong trong việc kết nối Việt Nam với thế giới thông qua mạng lưới bay ngày càng mở rộng. Hãng cam kết góp phần thúc đẩy giao thương, du lịch và đầu tư quốc tế, đồng thời đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững, hướng đến trở thành hãng hàng không xanh, tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại.

Với định hướng chiến lược rõ ràng và các kế hoạch đầu tư bài bản, Vietjet sẵn sàng chinh phục những cột mốc mới trong năm 2025, tiếp tục khẳng định vị thế trong ngành hàng không khu vực và thế giới.

Thanh Huế

Quảng Cáo Liên Quan