Ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn trong năm 2025

Theo dõi Lào Cai Online trên Youtube

Lào Cai Online – Một bệnh nhân nam 51 tuổi vừa được ghi nhận là ca tử vong đầu tiên do bệnh sởi ở người lớn tại Việt Nam trong năm 2025. Trường hợp này có tiền sử bệnh nền phức tạp và diễn tiến bệnh nhanh chóng sau khi nhập viện.

Thông tin từ Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân N.Đ.H (trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao, ho khan, khó thở, nổi ban đỏ toàn thân. Trước đó, người bệnh có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đái tháo đường type 2tăng huyết áp.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng hô hấp của bệnh nhân chuyển biến xấu. Bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực, đặt nội khí quản, thở máy và tiến hành lọc máu kết hợp chạy ECMO. Tuy nhiên, do nhiễm khuẩn huyết nặng kèm vi khuẩn đa kháng, bệnh nhân không đáp ứng điều trị và đã tử vong.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường Viện trưởng, Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. (Ảnh minh họa: BVCC)
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường Viện trưởng, Viện Y học nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cùng các bác sĩ đánh giá biến chứng viêm phổi ở bệnh nhân sởi. (Ảnh minh họa: BVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới cho biết, trong những tháng đầu năm 2025, số lượng bệnh nhân sởi là người lớn có chiều hướng tăng, nhiều ca nhập viện với tình trạng biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí phải thở máy hoặc can thiệp ECMO.

Quảng Cáo

Đáng chú ý, độ tuổi mắc sởi ghi nhận phổ biến từ 30 đến 65 tuổi, thậm chí có trường hợp trên 70 tuổi. Khoảng 75% người bệnh không nhớ rõ đã từng tiêm vaccine sởi hay chưa, dẫn đến nguy cơ tái nhiễm cao.

Các chuyên gia cảnh báo, dù sởi thường được coi là bệnh của trẻ em, nhưng người lớn – đặc biệt là người có bệnh nền hoặc suy giảm miễn dịch – cũng đối mặt với nguy cơ biến chứng nghiêm trọng nếu không được phòng ngừa đúng cách.

Viện Y học Nhiệt đới khuyến cáo: người trưởng thành chưa tiêm phòng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng cần được tiêm nhắc lại vaccine sởi-quai bị-rubella (MMR). Vaccine này đã được chứng minh an toàn và hiệu quả cao, được Bộ Y tế đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Từ cuối năm 2024 đến nay, Viện Y học Nhiệt đới đã tiếp nhận hàng trăm ca bệnh sởi, trong đó nhiều bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng, đòi hỏi can thiệp hồi sức cao. Đây là dấu hiệu cho thấy dịch bệnh có xu hướng diễn biến phức tạp và không chỉ giới hạn ở trẻ nhỏ.

Tiêm vaccine không chỉ là cách bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ tử vong mà còn góp phần ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, nhất là trong bối cảnh bệnh sởi có thể bùng phát bất kỳ lúc nào.

Thuỳ Như

Quảng Cáo Liên Quan